Những sinh vật biển này chính là “khắc tinh của virus"

Các khu rừng mưa nhiệt đới từ lâu đã được biết đến như những “lò ấp” virus khổng lồ trên toàn thế giới. HIV, ebola, sốt vàng… rất nhiều loại virus gây ra những đại dịch khủng khiếp cho nhân loại đều bắt nguồn từ những “pháo đài” tươi tốt về đa dạng sinh học này. Tuy nhiên trên thực tế, nếu nói đến sự đa dạng của virus, rừng nhiệt đới hoàn toàn “không có cửa” khi so sánh với đại dương.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, các nhà sinh vật học đã phân tích được gần 200.000 quần thể virus khác nhau tồn tại trong đại dương. Nhưng số lượng thực tế có thể lên tới hàng triệu - lớn hơn rất nhiều so với con số vài ngàn đang ẩn nấp trong những khu rừng mưa nhiệt đới.

Thật may, rất nhiều trong số những loại virus này không gây ra mối đe dọa cho con người. Thậm chí một số còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái của đại dương.

Có hàng triệu chủng virus tồn dại dưới đại dương
Có hàng triệu chủng virus tồn dại dưới đại dương

“Virus là thực thể sinh học phong phú nhất trong môi trường biển, tuy nhiên, sự hiểu biết của con người về chúng vẫn còn rất hạn chế”, Jennifer Welsh, nhà sinh thái biển đến từ Viện nghiên cứu biển Hoàng gia Hà Lan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

Sinh vật biển làm giảm sự đa dạng của virus

Để thích nghi trong môi trường đại dương đầy virus, các loài sinh vật biển đã tiến hóa, hình thành nên những kỹ thuật thụ động, đóng vai trò như các cơ chế giúp ngăn chặn virus xâm nhập vào bên trong cơ thể và giảm bớt nồng độ virus ở môi trường xung quanh. Chẳng hạn như Hàu Nhật Bản là loài lọc nước biển để hấp thụ dinh dưỡng, cơ chế “kiếm ăn” đặc biệt này giúp chúng sở hữu một trong những “bộ lọc virus” hiệu quả nhất đại dương.

Những sinh vật biển được biết đến như khắc tinh của virus thường là các loài nhỏ bé và không được biết đến nhiều. Hải quỳ, ấu trùng polychaete, mực biển, cua, sò và bọt biển là các ví dụ điển hình.

Để kiểm tra khả năng chống virus của chúng, các nhà nghiên cứu đã mang 10 loài động vật khác nhau vào phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, bọt biển tỏ ra đặc biệt thành thạo trong việc tiêu diệt kẻ thù siêu nhỏ của chúng.

“Trong các thí nghiệm của chúng tôi, bọt biển đã làm giảm sự hiện diện của virus tới 94% trong vòng 3 giờ. Một thí nghiệm khác cho thấy sự hấp thu virus của bọt biển thực sự xảy ra rất nhanh và hiệu quả. Ngay cả khi chúng tôi “bơm” lượng virus mới vào nước cứ sau 20 phút, bọt biển vẫn có thể tiêu diệt chúng mà không bị ảnh hưởng”, tiến sĩ Welsh cho biết.

Không chỉ có bọt biển, cua cũng là một trong những “cỗ máy diệt virus” hoàn hảo. Thí nghiệm cho thấy cua có khả năng tiêu diệt tới 90% virus tại một khu vực nước nhất định trong 24 giờ. Mức này của sò 43% và hàu là 12%.

Cua cũng là một trong những “cỗ máy diệt virus”
Cua cũng là một trong những “cỗ máy diệt virus”

Tuy nhiên, kết quả nêu trên sẽ có thay đổi trong môi trường thực tế, với nhiều yếu tố khác có thể giúp hoặc cản trở khả năng diệt virus của những sinh vật này.

Mối đe dọa thường trực từ virus

Trong thế giới tự nhiên, các loài động vật biển - giống như con người - phải đối mặt với số chủng virus vốn gia tăng liên tục do tác động của biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu được thực hiện năm 2019 của các nhà khoa học tại Đại học California-Davis chỉ ra rằng băng tan chảy đã giải phóng một lượng lớn virus “chết người” vào đại dương, đơn cử như trường hợp virus distemper phocine (PDV) gây tử vong hàng loạt cho các quần thể hải cẩu Đại Tây Dương.

Do đó, sự tồn tại và phát triển cả những sinh vật có khả năng tiêu diệt virus có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng của nồng độ virus trong đại dương, đảm bảo an toàn cho các loài khác.

Thứ Năm, 16/04/2020 11:13
3,34 👨 2.707
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Đại dương học