Kế hoạch đưa một tàu thăm dò tới gần Mặt Trời vào năm 2018 đã được NASA, cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ công bố thông tin chi tiết vào 11h giờ miền Đông Mỹ (22h giờ Hà Nội) ngày 31/5 tại Trung tâm Nghiên cứu William Eckhardt của Đại học Chicago, theo NBC.
- Viễn cảnh tương lai khi con người làm chủ hệ Mặt Trời
- Tên lửa mới độc đáo có thể đi vào không gian chỉ trong 5 phút
Parker Solar, tàu thăm dò không người lái, được đặt tên theo nhà thiên văn vật lý Mặt Trời Eugene Parker, được phát triển bởi Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins, sẽ đi đến phần ngoài cùng của khí quyển Mặt Trời nhằm khám phá những bí mật to lớn tại ngôi sao trung tâm của Hệ Mặt Trời. Theo dự kiến vào tháng 7 hoặc tháng 8/2018, nó sẽ được phóng trên tên lửa Delta IV Heavy, sau đó trải qua 7 năm đi sâu vào quỹ đạo xung quanh Mặt trời.
Để làm điều này, tàu sẽ bay qua sao Kim 7 lần trước khi vào phạm vi 5,9 triệu km xung quanh Mặt Trời. Đây là khoảng cách gần Mặt Trời nhất, gần hơn gấp 8 lần so với bất kỳ tàu vũ trụ nào khác trước đó từng được con người phóng vào vũ trụ, theo NASA.
Mặt Trời là ngôi sao ở trung tâm của hệ Mặt Trời, gần Trái Đất nhất trong Dải Ngân hà. Nó chiếm khoảng 99,86% khối lượng của hệ Mặt Trời, với nhiệt độ bề mặt lên tới 5.505 độ C và nhiệt độ lõi Mặt Trời khoảng 15 triệu độ C. Do vậy việc tiếp cận ngôi sao này không hề đơn giản.
Cấu tạo Mặt Trời.
Những thông tin mà tàu vũ trụ thu được sẽ giúp các nhà khoa học khai thác để dự báo tốt hơn thời tiết không gian, yếu tố tác động rất lớn đến con người và sự sống trên Trái Đất cũng như tác động tới vệ tinh và các phi hành gia trong vũ trụ.
- Xác định cấu trúc và động lực của từ trường của gió Mặt Trời.
- Khám phá bụi plasma gần Mặt Trời và ảnh hưởng của nó lên gió Mặt Trời.
- Theo dõi luồng năng lượng làm nóng vành nhật hoa và tăng tốc gió Mặt Trời.
- Xác định cơ chế tăng tốc và vận chuyển các phân tử điện.
Cấu tạo và chức năng của tàu thăm dò Mặt Trời Parker Solar, "cỗ máy" tỷ đô tiếp cận Mặt Trời của NASA.
Parker Solar có chi phí khoảng 1,2 tỷ USD đến 1,4 tỷ USD, nặng gần 600kg, rộng 1 mét, cao 3 mét. Nó sẽ được trang bị lá chắn carbon phức hợp dày 11,5 cm, để giúp nó chịu được nhiệt độ lên tới 1.400 độ C trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử này. Tàu thăm dò sử dụng năng lượng Mặt Trời và sẽ di chuyển với vận tốc hơn 690.000 km/h, nghĩa là nó có thể di chuyển từ New York đến Tokyo trong vòng chưa đầy một phút.