Một số loài cá có khả năng đặc biệt như phóng điện, đánh hơi mùi máu hoặc thay đổi giới tính…
Cá phổi châu Phi
Cá phổi châu Phi có dạng phổi thô sơ, giúp chúng tiếp nhận oxy trực tiếp từ không khí nên có thể sống không cần nước trong khoảng một năm. Khi mùa khô đến, loài cá này sẽ chui sâu xuống bùn, tiết chất nhầy qua miệng để làm cứng bùn tạo thành một cái kén bao quanh nó. Chỉ có miệng cá lộ ra ngoài để lấy không khí.
Cá chình điện
Cá chình điện (hay còn gọi là lươn điện) có thể tạo ra dòng điện từ 600 đến 800V để chống lại kẻ thù và săn mồi. Lượng điện loài cá này phóng ra đủ để giết một con ngựa.
Lươn điện tạo ra những dòng điện 10 volt để xác định vị trí con mồi, sau đó tạo ra những luồng điện mạnh hơn khiến con mồi bị choáng và giết con mồi.
Cá mặt quỷ
Cá mặt quỷ (còn có tên cá đá) có chứa loại nọc độc vô cùng nguy hiểm nên chúng được mệnh danh là “sát thủ đại dương”. Nếu bị cá mặt quỷ đốt, bạn có thể bị sốc, đổ mồ hôi, tê liệt, buồn nôn, mê sảng, sốt, suy hô hấp và nếu không được điều trị bằng thuốc kháng nọc độc trong vòng vài giờ có thể dẫn tới tử vong. Nếu may mắn sống sót, quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất nhiều tháng.
Cá mập voi
Cá mập voi (cá nhám voi) là loài cá lớn thứ 2 trên thế giới với trọng lượng lên tới 25 tấn. Loài cá này có tới 4.000 chiếc răng với nhiệm vụ là lọc thu thập thức ăn. Thức ăn của cá mập voi chủ yếu bao gồm sinh vật phù du, thực vật và tảo.
Cá hề
Tất cả cá hề sinh ra đều là giống đực nhưng chúng có cả hai cơ quan sinh sản nam và nữ. Tại một số thời điểm trong cuộc đời, một số con cá hề sẽ biến thành cái trong quá trình lưỡng tính tuần tự.
Trong một đàn chỉ có hai con cá hề to nhất là cặp vợ chồng duy nhất trong đàn, đảm nhận chức năng sinh sản. Nếu con cái đầu đàn chết, con đực đầu đàn sẽ thay đổi giới tính và trở thành con cái, con đực lớn thứ hai sẽ nhanh chóng phát triển thành con đực trưởng thành để thành cặp với con cái mới.
Cá mập trắng
Lỗ mũi của cá mập trắng nằm dưới mõm, nhưng không dùng để thở mà chỉ có thể ngửi. Mũi của cá mập trắng có khả năng phát hiện lượng nhỏ hợp chất khác nhau trong nước. Chúng có thể xác định một giọt máu nhỏ trong cái xô gần 100 và phát hiện máu cách xa khoảng 5km.
Cá hồi Sockeye
Cá hồi Sockeye sinh ra tại vùng nước ngọt, di cư ra biển, sau đó bơi ngược về sông để sinh sản. Chúng di chuyển hàng nghìn kilomet để ngược sông, trở về nơi sinh ra bằng cách phát hiện các biến thể nhỏ trong từ trường của Trái Đất để điều hướng.
Cá toothfish
Cá toothfish ở Nam Cực có thể bơi qua vùng cực băng giá (có thể xuống dưới -2º C) nhờ khả năng tạo ra glycoprotein chống đông độc đáo, giúp máu của chúng không bị đông.
Loài cá chọi hay cá xiêm
Đây là một trong những loài cá phổ biến ở Thái Lan với màu sắc đa dạng cùng vây căng tròn tuyệt đẹp. Loài cá này có khả năng đổi màu cực độc đáo theo môi trường sống, thậm chí ngay cả khi tâm trạng của chúng không tốt. Chúng rất thông minh, có thể được dạy để bơi theo ngón tay hay đẩy bóng vào gold.
Loài cá mắt thùng
Loài cá mắt thùng (tên khoa học là Macropinna Microstoma) là loài cá kỳ lạ sống ở vùng biển sâu khu vực ôn đới và nhiệt đới thuộc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chúng có đôi mắt hình ống, cực kỳ nhạy sáng và chứa sắc tố màu xanh lục, nằm ở bên trong đầu và được bảo vệ bởi một tấm chắn trong suốt chứa đầy dịch lỏng.
Đôi mắt này còn có thể xoay được, cho phép cá mắt thùng có thể nhìn thẳng về phía trước hoặc nhìn lên phía trên để quan sát mọi thứ trên đỉnh đầu.