Chiêm ngưỡng khoảnh khắc đẹp ma mị của hệ sao Rho Ophiuchi dưới con mắt của kính thiên văn James Webb

Từ cuối thập niên 1990, NASA đã phối hợp cùng Cơ quan Vũ trụ châu Âu để phát triển James Webb, với kinh phí khoảng 10 tỷ USD. James Webb là kính viễn vọng mạnh mẽ và hiện đại nhất mà con người từng tạo ra, và được kỳ vọng sẽ cung cấp những hình ảnh với độ chi tiết chưa từng có về vũ trụ, hỗ trợ các nhà khoa học khám phá, tìm hiểu về vũ trụ cũng như sự sống ngoài Trái Đất.

Ngày 15/7 đánh dấu cột mốc tròn một năm những hình ảnh đầu tiên được Kính viễn vọng Không gian James Webb gửi thành công về Trái đất. Và để kỷ niệm sự kiện quan trọng này, NASA đã chia sẻ một hình ảnh tuyệt đẹp khác về không gian cũng mới được James Webb chụp lại gần đây.

Hình ảnh mới cho thấy vẻ đẹp ma mị của hệ sao Rho Ophiuchi, một khu vực bận rộn nơi vô số ngôi sao mới đang được sinh ra giữa những vòng xoáy bụi và khí dày đặc. Hệ sao Rho Ophiuchi nằm cách Trái đất chỉ 390 năm ánh sáng, do đó không khó để James Webb có thể ghi lại hình ảnh khu vực này với độ chi tiết tuyệt vời bằng hệ thống NIRCam tối tân.

Trên thực tế, khu vực này bao gồm nhiều hệ sao, với một lượng lớn các loại khí như hydro phân tử, được thể hiện bằng màu đỏ trong hình ảnh. Khi các ngôi sao được hình thành trong vòng xoáy bụi và khí, chúng phát ra ánh sáng và bức xạ trong một hiện tượng gọi là gió sao. Gió này thổi bay vật chất xung quanh các ngôi sao trẻ, vừa ngăn các ngôi sao khác hình thành quá gần, vừa tạo ra bụi và khí thành những hình dạng đặc biệt.

Những vụ nổ năng lượng siêu lớn được giải phóng bởi các ngôi sao trẻ tạo thành các tia đặc biệt sáng, ném vật chất từ cả hai cực và tạo ra các vệt hydro phân tử màu đỏ ở phía trên và bên phải của hình ảnh.

Tuy nhiên, các ngôi sao mới là chủ thể chính trong hình ảnh này. Một số ngôi sao có quầng sáng xung quanh chúng. Điều này cho thấy sự hiện diện của các đĩa tiền hành tinh. Những đĩa bụi và khí này hình thành xung quanh một ngôi sao, lớn dần theo thời gian do lực hấp dẫn của ngôi sao đó. Các khối hình thành bên trong đĩa, bắt đầu bằng các hạt nhỏ và tích tụ ngày càng lớn hơn theo thời gian. Cuối cùng, các khối có thể đạt đủ khối lượng để tạo thành lõi rắn, từ đó kiến tạo nên cơ sở của một hành tinh mới.

Có tổng cộng khoảng 50 ngôi sao trẻ được hiển thị trong hình ảnh. Mỗi ngôi sao tương tự như mặt trời của chúng ta. Các đám mây bụi xung quanh các ngôi sao này được làm nóng bởi bức xạ của chúng, tất cả được thể hiện rõ nét trong bước sóng hồng ngoại.

Thứ Năm, 20/07/2023 12:30
31 👨 205
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ