Khoáng chất nằm rải rác khắp nơi trên Trái đất nhưng loại nào là hiếm gặp nhất? Kim cương là khoáng sản có độ hiếm và có giá trị cao nhưng không phải là câu trả lời đúng.
Theo Live Science, Kyawthuite chính là khoáng chất hiếm nhất trên Trái đất do cho tới nay mới chỉ tìm thấy duy nhất một tinh thể ở vùng Mogok của Myanmar. Điều này có nghĩa là loại khoáng chất này không hề tồn tại ở những địa điểm khác trên Trái Đất.
Khoáng chất Kyawthuite được Hiệp hội Khoáng chất Quốc tế chính thức công nhận vào năm 2015. Kyawthuite được mô tà là một viên đá quý màu cam sậm nhỏ (chỉ nặng 1,61 karat) và giới nghiên cứu biết rất ít về nó.
Khoáng chất hiếm có thứ hai trên thế giới là Painite. Khoáng chất này xuất hiện dưới dạng tinh thể lục giác màu đỏ đậm (mặc dù có một số trường hợp ngoại lệ có màu hơi hồng) có cấu trúc hóa học độc đáo. Cho năm 2001, mới chỉ có 3 mẫu vật được biết đến.
Hiện nay, Painite được tìm thấy dễ dàng hơn trước đây, chúng liên tục lộ thiên và có thể được khai thác nhiều tại hai vùng Wet Loo và Therein Taung của Myanmar. Nhưng khoáng chất này vẫn rất hiếm.
Tại sao các khoáng chất hiếm nhất thế giới như painite hay kyawthuite không được tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới mà chỉ xuất hiện ở Myanmar.
Theo chuyên gia George Rossman, giáo sư khoáng chất học ở Viện Công nghệ California, nguyên nhân có thể là do sự thay đổi về mặt địa lý của Trái Đất cách đây hàng chục đến trăm triệu năm.
Cách đây khoảng 180 triệu năm trước, siêu lục địa Gondwana cổ đại bắt đầu tách ra, Ấn Độ di chuyển về phía bắc và va chạm với khu vực ngày nay là Nam Á. Một kho tàng các loại đá, nhiều trong số đó là đá quý đã được hình thành dưới áp suất và sức nóng từ vụ va chạm.