Bầu khí quyển phía trên của sao Thổ rất nóng dù chúng ở cách xa Mặt Trời hơn nhiều so với Trái Đất. Từ lâu nguồn nhiệt lượng này đã trở thành một trong những bí ẩn vĩ đại của Hệ Mặt Trời khiến các nhà khoa học đau đầu.
Tuy nhiên, nhờ vào các dữ liệu thu được từ tàu vũ trụ Cassini của NASA các nhà thiên văn học mới đây đã khám phá được bí ẩn vĩ đại này của Hệ Mặt Trời.
Cụ thể, các nhà khoa học phát hiện ra rằng các cực quang rất mạnh ở cực Nam và cực Bắc của sao Thổ chính là nguyên nhân khiến bầu khí quyển của hành tinh này nóng lên.
Gió Mặt Trời và các hạt tích điện phát ra từ Mặt Trăng, vành đai của sao Thổ tương tác với nhau gây ra dòng điện. Dòng điện đó kích thích các nguyên tử và phân tử trong lớp vỏ không khí của hành tinh này tạo ra các tia lửa trên cực quang và đốt nóng bầu khí quyển phía trên. Điều này giải thích lý do tại sao phần trên cùng bầu khí quyển của sao Thổ lại nóng như vậy trong khi phần còn lại lạnh.
Tommi Koskinen, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, phát hiện mới này rất quan trọng đối với sự hiểu biết chung của chúng ta về bầu khí quyển trên các hành tinh. Đồng thời, kết quả nghiên cứu mới cũng là một phần quan trọng trong di sản của Cassini.
Tương tự như sao Thổ, các hành tinh khác trong Hệ Mặt trời như sao Mộc và sao Thiên Vương cũng ghi nhận hiện tượng nóng bất thường ở bầu khí quyển. Tuy nhiên, không thể suy ra kết luận tương tự với các hành tinh này từ các dữ liệu thu được ở Sao Thổ, ông Zar Zarah Brown, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.