Phát hiện ‘hành tinh cô đơn’ có kích thước nhỏ nhất từ trước đến nay

Nhìn vào khoảng không sâu thẳm của vũ trụ, mò mẫm trong những mảng đen khổng lồ giữa các hệ sao, bạn có thể tìm thấy những ‘kẻ vô gia cư’ của vũ trụ - các hành tinh lang thang cô đơn. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi những hành tinh này hoàn toàn không quay quanh một ngôi sao chủ nào như thông thường mà chỉ quanh quẩn vô định trong vũ trụ, tự mình thực hiện những chuyến phiêu lưu tự do.

Mới đây, các nhà thiên văn học thuộc dự án OGLE (Thí nghiệm thấu kính hấp dẫn quang học) đã phát hiện ra một hành tinh cô đơn vô cùng độc đáo với kích thước khá khiêm tốn, có thể nói là nhỏ nhất từng được con người phát hiện trong hàng ngàn năm quan sát thiên văn.

Trên thực tế, hầu hết các hành tinh cô đơn được phát hiện cho đến nay đều có khối lượng lớn gấp vài lần sao Mộc, tuy nhiên ‘anh bạn’ mới được các nhà khoa học tìm thấy lại sở hữu kích chỉ tương đương với Trái đất hoặc sao Hỏa.

Việc phát hiện ra những hành tinh lang thang với kích thước tương đối nhỏ như vậy rõ ràng không hề đơn giản, và các nhà nghiên cứu đã phải sử dụng một kỹ thuật gọi là “Gravitational Microlensing”, với trọng tâm là quan sát và phân tích lượng ánh sáng phát ra từ các ngôi sao nền ở xa. Khi một vật thể đi qua giữa tầm quan sát của chúng ta và ngôi sao nền, ánh sáng từ ngôi sao bị trọng lực của vật thể uốn cong nhẹ, làm cho ngôi sao trông sáng hơn bình thường trong một khoảng thời gian ngắn.

Mô phỏng sự kiện microlensing tạo ra bởi một ngoại hành tinh lơ lửng tự do.
Mô phỏng sự kiện microlensing tạo ra bởi một ngoại hành tinh lơ lửng tự do.

Vấn đề là các ngôi sao nền và đối tượng tiền cảnh cần phải được căn chỉnh chính xác để hiệu ứng trên xảy ra, trong khi điều này rất hiếm gặp. "Nếu chỉ quan sát một ngôi sao nguồn, chúng ta sẽ phải đợi gần một triệu năm để thấy được kết quả", người đứng đầu nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Przemek Mroz giải thích trong một tuyên bố. Vì vậy, các nhà khoa học đã chọn cách nhìn vào nhiều ngôi sao nguồn thay thế.

Điều này cho phép họ phát hiện ra ‘vật thể nhỏ bé’ mà họ tin là một hành tinh cô đơn, trong sự kiện microlensing ngắn nhất từ ​​trước đến nay, chỉ kéo dài hơn 40 phút. Thông thường, sự kiện microlensing do các ngoại hành tinh gây ra thường kéo dài trong vài giờ, và có thể lên đến vài ngày đối với các ngôi sao cỡ lớn. Việc sự kiện diễn ra quá ngắn gọn chỉ ra rằng vật thể gây ra nó, một hành tinh cô đơn, có kích thước nhỏ hơn nhiều so với những lần phát hiện trước đây.

Nghiên cứu trên không chỉ giúp xác định được một ngoại hành tinh cô đơn có kích thước siêu nhỏ, mà còn chứng minh rằng Gravitational Microlensing là kỹ thuật tối ưu để phát hiện các vật thể tương đối nhỏ trong không gian - những kho chứa kiến thức vũ trụ chưa từng được biết đến.

Thứ Hai, 02/11/2020 20:43
32 👨 831
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ