'Đại dịch suy tim' thúc đẩy tìm kiếm liệu pháp mới trong điều trị 

Trong hơn một thập kỷ qua, các chuyên gia y tế tại Nhật Bản đã liên tục đưa ra cảnh báo về một đại dịch sắp xảy ra: không phải COVID-19 hay bất cứ loạt bệnh truyền nhiễm nào khác, mà là suy tim. Trong bối cảnh dân số của quốc gia này tiếp tục già đi nhanh chóng, số lượng người cao tuổi mắc các vấn đề về tim cũng có xu hướng tăng vọt.

Suy tim là một tình trạng mãn tính khi tim không còn khả năng bơm đủ máu và oxy đi khắp cơ thể. Đây là một dạng bệnh lý ác tính tiến triển và đặc biệt đáng lo ngại. Khoảng một triệu người ở Nhật Bản đang sống chung với tình trạng này và dự kiến ​​sẽ có thêm 370.000 người nữa mắc phải vào năm 2025. Người mắc bệnh sẽ thấy chất lượng cuộc sống bị giảm sút, và có nhiều khả năng cần được chăm sóc y tế tại bệnh viện hoặc tử vong sớm.

Ông Shinya Miike, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Neuroceuticals, một công ty có trụ sở tại Tokyo chuyên về thiết bị y tế, cho biết: "Có thể gọi đây là đại dịch suy tim". Hiện tại, sau 8 năm nghiên cứu và phát triển, Neuroceuticals đang thử nghiệm một liệu pháp kích thích điện dây thần kinh phế vị — ống dẫn quan trọng chạy từ não xuống cơ thể — ở những bệnh nhân mắc bệnh tim.

Tầm soát nguy cơ

Trên thực tế, có nhiều tình trạng sức khỏe tiêu cực khác nhau có thể dẫn đến suy tim. Tuy nhiên thì nhồi máu cơ tim, một hiện tượng xảy ra khi dòng máu chảy đến tim đột ngột bị chặn (thường được gọi là đau tim) do tắc nghẽn động mạch, là nguyên nhân chính. Bất chấp việc ngày càng có nhiều người được cứu sống sau khi trải qua cơn đau tim nhờ những tiến bộ trong điều trị, nhưng vẫn có tới 35% trong số đó sẽ bị suy tim.

Điều này là do mặc dù hầu hết các tổn thương ở tế bào tim xảy ra trong vòng vài giờ sau cơn nhồi máu cơ tim, nhưng những tế bào này có thể tiếp tục chết trong nhiều năm. Các loại thuốc được gọi là thuốc chẹn beta thường được kê đơn để ngăn chặn sự hoạt hóa mãn tính của thụ thể β-adrenergic được cho là nguyên nhân dẫn đến chết tế bào tim. Nhưng vấn đề là thuốc chẹn beta chỉ có hiệu lực sau một vài giờ, khi đó cơn đau tim đã làm tổn thương các tế bào tim rồi. Ngoài ra, thuộc phải được dùng suốt đời. "Rõ ràng là có một nhu cầu lâm sàng chưa được đáp ứng về một phương pháp điều trị hiệu quả hơn".

Để đáp ứng nhu cầu đó, một nhóm các nhà khoa học trên khắp thế giới, bao gồm cả Neuroceuticals, đang tìm cách bảo vệ tế bào tim theo một phương thức khác, đó là sử dụng liệu pháp kích thích dây thần kinh phế vị (VNS). Với VNS, các xung điện được sử dụng để thay đổi các kết nối trong hệ thần kinh.

Dây thần kinh phế vị đi từ não đến ngực và bụng, điều chỉnh các chức năng như nhịp tim và tiêu hóa. Kích thích nó có thể kích hoạt hệ thống phó giao cảm, từ đó giúp giảm nhịp tim và tình trạng viêm ở tim, cả hai đều là những yếu tố có khả năng quan trọng trong kiểm soát suy tim.

"Có rất nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy VNS có thể làm giảm nhịp tim và ức chế tình trạng viêm ở vùng tim mạch", tiến sĩ Keita Saku, trưởng phòng thí nghiệm tại Trung tâm Tim mạch và Não quốc gia Nhật Bản, và là cộng tác viên của Neuroceuticals, cho biết.

'Đại dịch suy tim' thúc đẩy tìm kiếm liệu pháp mới trong điều trị 

Hiện tại, nhóm Neuroceuticals đã phát triển một ống thông điện tử kích thích dây thần kinh phế vị thông qua một cây kim được đưa vào. Thiết bị này, chỉ dài 2,5mm, có một đầu hình roi độc đáo gọi là 'giỏ'. Thiết kế này giúp bác sĩ nhanh chóng đưa nó vào bên trong cơ thể bệnh nhân, gần mạch máu lý tưởng - có thể khác nhau tùy từng người.

Công ty đang hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Đại học Kyushu ở Fukuoka để tiến hành một nghiên cứu lâm sàng trên khoảng 30 người bị rối loạn nhịp tim. Đây đều là những người cần phương pháp điều trị tương tự như bệnh nhân suy tim.

Nghiên cứu có thể còn cần nhiều năm thử nghiệm lâm sàng nữa. Nhưng nếu VNS chứng minh được hiệu quả, nó có thể giúp đáp ứng nhu cầu lâm sàng ngày càng tăng về các phương pháp tiếp cận khác nhau để điều trị suy tim.

Thứ Bảy, 09/11/2024 07:30
31 👨 71
0 Bình luận
Sắp xếp theo