Các nhà khoa học tại Đài Quan sát Thiên văn Quốc gia Trung Quốc vừa phát hiện ra một lỗ đen với khối lượng lớn gấp 70 lần Mặt trời trong dải Ngân Hà. Lỗ đen này được đặt tên là LB-1, sự tồn tại của nó khiến các nhà nghiên cứu bị sốc bởi trái ngược với những lý thuyết vũ trụ học trước đây.
Nhà nghiên cứu Liu Jifeng cho biết, ông và các đồng nghiệp đã mất 3 năm kiểm chứng với các nhà thiên văn học trên khắp thế giới, sau đó mới công bố khám phá của mình.
Theo lý thuyết thiên văn hiện tại, những ngôi sao trong không gian được tạo thành từ khí và kim loại nặng. Phản ứng nhiệt hạch xảy ra bên trong lõi của chúng sẽ khiến các hạt nhẹ kết hợp với nhau tạo thành hạt nặng hơn và giải phóng năng lượng rất lớn.
Nhưng theo công thức nổi tiếng E=mc² của Einstein, khi vật chất chuyển đổi thành năng lượng, khối lượng của một ngôi sao sẽ giảm đi. Trải qua hàng tỷ năm, năng lượng của ngôi sao sẽ mất dần, đến thời điểm nào đó sẽ sụp đổ dưới khối lượng của chính nó và trở thành lỗ đen.
Về lý thuyết, một lỗ đen có kích thước khổng lồ như LB-1 không thể tồn tại trong dải Ngân Hà. Sự tồn tại của LB-1 cho thấy có lỗ hổng trong lý thuyết về sự tiến hóa của các ngôi sao và sự hình thành lỗ đen. Điều này chắc chắn khiến giới thiên văn học tư duy lại.
Chuyên gia Liu Jifeng cho biết, LB-1 lớn gấp đôi những gì ông và các đồng nghiệp tính toán. Lý giải sự hình thành của nó sẽ là một thách thức lớn đối với các nhà nghiên cứu thiên văn.
Lỗ đen LB-1 được phát hiện bởi hệ thống kính thiên văn quét thiên hà lớn nhất thế giới (gồm 4.000 kính nhỏ), nằm ở tỉnh Hà Bắc. Mỗi kính trong hệ thống kính thiên văn này có thể tập trung vào một mục tiêu riêng trên bầu trời.