Có hơn 300 triệu hành tinh trong dải Ngân Hà con người có thể sinh sống được

Khi nhìn lên bầu trời đêm vào những ngày thời tiết đẹp, bạn thấy hàng ngàn ngôi sao lấp lánh và nghĩ rằng cả vũ trụ đang gói gọn trong tầm mắt. Tuy nhiên trên thực tế, đó chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng tỷ ngôi sao đang tồn tại trong thiên hà của chúng ta - dải Ngân Hà. Và trong số này, lại có rất nhiều ngôi sao có thể chứa các ngoại hành tinh với nhiều đặc tính chưa từng được biết đến. Vậy câu hỏi đặt ra là trong hàng tỷ tỷ hành tinh đang tồn tại trong thiên hà của chúng ta, bao nhiêu trong số đó có thể cung cấp môi trường lý tưởng cho hoạt động sống của con người? Một nghiên cứu mới được tiến hành đã đưa ra con số ước tính khá ấn tượng.

Cụ thể, theo tiết lộ của một nhóm các nhà nghiên cứu thiên văn đến từ NASA, Viện SETI và một số tổ chức thiên văn độc lập khác, có thể có tới hơn 300 triệu hành tinh tiềm năng sở hữu những đặc điểm tự nhiên cho phép con người sinh sống được, và tất cả đều nằm trong thiên hà của chúng ta. Đáng chú ý, một vài trong số này thậm chí có thể ở rất gần, chỉ ở khoảng cách xấp xỉ 30 năm ánh sáng so với mặt trời.

Để đưa ra được con số ước tính này, nhóm nghiên cứu đã phải sử dụng đến kho dữ liệu khổng lồ thu được từ cả Kính viễn vọng Không gian Kepler và đài quan sát không gian Gaia trong nhiều năm qua, sau đó sử dụng những dữ liệu này để xây dựng nên một bức tranh tổng thể về các ngôi sao và ngoại hành tinh trong dải Ngân Hà. Các ước tính trước đây về số lượng hành tinh có thể sinh sống thường được dựa trên khoảng cách các hành tinh so với ngôi sao chủ của chúng, cách làm này cho độ chính xác không thực sự cao. Để khắc phục, trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tính đến cả những yếu tố quan trọng khác như lượng ánh sáng mà hành tinh đó nhận được, liên quan đến việc liệu nó có thể có nước lỏng trên bề mặt hay không.

Có 300 triệu hành tinh hành tinh trong dải Ngân Hà con người có thể sinh sống được
Có 300 triệu hành tinh hành tinh trong dải Ngân Hà con người có thể sinh sống được

Những thông tin kiểu như vậy còn có thể giúp chỉ ra rằng liệu các công cụ săn tìm sự sống như Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh (TESS) của NASA có đang đi đúng hướng hay không.

“Việc xác định được sự phổ biến cũng như đặc tính của các hành tinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thiết kế các sứ mệnh tìm kiếm những thực thể hỗ trợ sự sống trong tương lai. Các cuộc khảo sát nhằm vào những hành tinh nhỏ, có khả năng sinh sống được nằm xung quanh các ngôi sao giống Mặt trời sẽ phụ thuộc chủ yếu vào những kết quả như thế này để tối đa hóa cơ hội thành công”, nhà thiên văn học Michelle Kunimoto, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nghiên cứu trong tương lai sẽ cần phải tập trung vào việc liệu các hành tinh này có bầu khí quyển hay không, và nó được cấu tạo bởi thành phần gì - những yếu tố quan trọng khác giúp xác định khả năng sinh sống. Khó có thể đánh giá điều này bằng trang thiết bị hiện tại, nhưng các mẫu kính thiên văn thế hệ tiếp theo hiện đại hơn như Kính viễn vọng Không gian James Webb sẽ có khả năng khảo sát bầu khí quyển của các ngoại hành tinh một cách chặt chẽ hơn.

Thứ Tư, 04/11/2020 21:25
51 👨 1.333
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ