Ba gen mới toanh vừa được giới y học tìm thấy có khả năng gây ra bệnh tăng huyết áp cục bộ trên cơ thể đang gây xôn xao giới y học toàn cầu.
Theo đó, đây là phát hiện mới nhất của một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Queen Mary của London và Đại học Cambridge sau khi tiến hành khảo sát, phân tích dữ liệu y tế, di truyền trực tuyến của hơn 347.000 người Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Estonia, Mỹ, Pakistan và Bangladesh và phát hiện ra tới tận 31 vùng gen mới có liên quan chặt chẽ với bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não mà bước đầu là 3 gen mới toanh vừa được phát hiện.
Nhiều chuyên gia nhận định, chỉ tới hiện tại, các nhà khoa học mới kịp phát hiện ra ba loại gen này bởi vì nó xuất hiện tiềm ẩn và không đồng nhất, chỉ khi nào tiến hành khảo sát ở quy mô rộng lớn mới có thể phát hiện ra ba nhóm gen này.
Cụ thể, ba gen này lần lượt có tên là RBM47, gen này có khả năng mã hóa protein, gây biến đổi RNA di truyền trong cơ thể, tiếp đó là gen RRAS, gen này chuyên liên kết bất thường với bệnh tim gọi là hội chứng Nooman và cuối cùng là gen COL21A1 có thể gây ảnh hưởng đến các mô trong tim và động mạch chủ. Nói tóm lại, cả ba gen RBM47, RRAS, COL21A1 đều có khả năng can thiệp, gây rối loạn mạch máu, làm tiền đề cũng như nguyên nhân quan trọng làm tăng huyết áp trong cơ thể.
Như vậy, với sự xuất hiện 3 gen gây tăng huyết áp mới kể trên, thì số lượng gen gây tăng huyết áp tới hiện tại được phát hiện đã lên con số gần 100 gen.
Theo Wikipedia, Cao huyết áp (hay còn được gọi là tăng huyết áp hay là lên tăng-xông, từ chữ Hypertension trong tiếng Pháp) là một bệnh mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao. Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số là: huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic), dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim, tương ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất của dòng máu trong động mạch. Có nhiều quy chuẩn khác nhau về khoảng bình thường của huyết áp. Huyết áp lúc nghỉ thông thường nằm trong khoảng 100-140mmHg huyết áp tâm thu và 60-90mmHg huyết áp tâm trương. Bệnh nhân bị cao huyết áp khi đo huyết áp của bệnh nhân thường xuyên thấy cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Tăng huyết áp gây nhiều áp lực cho tim, có khả năng dẫn đến bệnh tim do tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Tăng huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ chính trong: tai biến mạch máu não, suy tim, phình động mạch, bệnh thận mạn, và bệnh động mạch ngoại biên. Ăn kiêng và thay đổi lối sống có thể cải thiện tình trạng huyết áp và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng, mặc dù vậy vẫn có thể cần điều trị kèm bằng thuốc ở những ca mà các biện pháp thay đổi lối sống không có tác dụng hoặc không giảm được đến huyết áp mục tiêu.
Huỳnh Dũng (Theo Medicalnewstoday)