Cuốn chiếu châu Phi (Archispirostreptus gigas) được xem là loài cuốn chiếu lớn nhất thế giới. Cuốn chiếu châu phi trưởng thành có kích thước cơ thể có thể lên tới 30cm.
Loài cuốn chiếu này có tới 300-400 chân nằm dọc cơ thể, mỗi đốt cơ thể có 4 chân.
Cuốn chiếu châu Phi thở qua những lỗ hô hấp li ti dọc cơ thể chứ không thở bằng phổi như chúng ta. Các lỗ này thông với một khoang trong cơ thể nối thông với hệ thống khí quản.
Thị lực của loài cuốn chiếu không tốt nên chúng giao tiếp với nhau bằng xúc giác. Chúng dùng chân và cơ thể cảm nhận môi trường xung quanh và tìm đường đi.
Tim của loài cuốn chiếu chạy dọc theo chiều dài cơ thể với một động mạch chủ chạy tới đầu.
Thức ăn của cuốn chiếu là cành và lá cây mục trên mặt đất, biến thực vật chết thành đất mới. Chúng giống như một cỗ máy phân hủy nên có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái đồng cỏ.
Tùy theo loài, mỗi lứa cuốn chiếu đẻ chừng 10-300 trứng. Trứng của cuốn chiếu được thụ tinh ngay khi đẻ bằng tinh trùng tích chứa trong âm hộ. Sau vài tuần, trứng cuốn chiếu sẽ nở. Cuốn chiếu con thường chỉ có 3 cặp chân, theo sau đó là 4 đốt không chân. Sau mỗi lần lột xác, số đốt và số chân của cuốn chiếu sẽ tăng dần lên.
Cuốn chiếu là các động vật chân khớp thuộc lớp Chân kép (Diplopoda), phân ngành Nhiều chân, nhóm động vật chân khớp đa dạng nhất trên Trái Đất và là một trong những loài có mặt sớm nhất trên cạn.
Tên "cuốn chiếu" trong tiếng Việt của nhóm sinh vật này xuất phát từ tập tính cuộn tròn cơ thể của chúng, giống như khi người ta cuốn một chiếc chiếu.