Niềng răng & Những sai lầm trong vệ sinh răng miệng khi niềng răng

Niềng răng là một phương pháp phục hình răng hiện đang được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, việc vệ sinh răng miệng khi niềng răng rất khác so với khi không niềng, vì vậy, khá nhiều người đã mắc sai lầm khiến cho quá trình điều trị phát sinh nhiều vấn đề. Hãy cùng nhau tìm hiểu và nghiên cứu cách khắc phục những sai lầm đó trong bài viết này nhé.

Niềng răng là gì? Tại sao phải niềng răng?

Niềng răng là một thuật ngữ nha khoa dùng để nói đến phương pháp dịch chuyển răng bằng cách sử dụng các khí cụ nha khoa chuyên dụng, mang lại cho bạn hàm răng đều đẹp và cân đối. Quá trình niềng răng có thể diễn ra từ 1 - 3 năm, hoặc lâu hơn nữa, tùy thuộc vào mức độ lệch lạc và hô móm của răng cũng như kế hoạch chỉnh nha mà bác sĩ đưa ra.

Niềng răng là gì? Tại sao phải niềng răng?

Niềng răng được đánh giá là phương pháp phục hình răng không phẫu thuật hiệu quả nhất hiện nay, hội tụ nhiều ưu điểm như:

  • Mang lại tính thẩm mỹ cao: Hàm răng đều và đẹp sẽ khiến bạn tự tin hơn khi nở nụ cười, đem lại cảm giác tích cực hơn trong cuộc sống.
  • Ăn nhai thuận lợi hơn: Răng lệch lạc, không ngay ngắn, khớp cắn không khớp nhau khiến cho việc ăn nhai không thuận lợi. Tình trạng này kéo dài dần dần sẽ khiến khớp cắn bị tổn thương, cơ hàm hoạt động thiếu linh hoạt, gây ra chứng đau đầu, đau cơ hàm… Niềng răng sẽ giúp bạn khắc phục dứt điểm tình trạng này, răng ngay ngắn, đúng vị trí, khớp cắn chuẩn khiến cho việc ăn nhai, phát âm thuận lợi hơn.
  • Giảm áp lực cho quai hàm: Các trường hợp hàm trên hoặc hàm dưới hô, móm quá nhiều đều sẽ gây tổn hại đến hàm răng. Khi khớp cắn quá sâu, bệnh nhân có thể cắn vào phần mô răng bên trong và làm tổn hại đến xương hàm. Niềng răng sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Niềng răng là một phương pháp chỉnh nha đem lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên, chăm sóc răng trong thời kỳ này không hề dễ dàng. Nhiều người đã mắc sai lầm khi chăm sóc răng trong khi niềng dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Dưới đây là một số sai lầm mà người niềng răng rất hay mắc phải.

Những sai lầm trong vệ sinh răng miệng khi niềng răng

Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà những người mới niềng răng thường xuyên mắc phải là suy nghĩ phải sử dụng bàn chải có lông cứng, dùng lực mạnh khi vệ sinh niềng răng thì mới sạch được. Tuy nhiên, trên thực tế, việc dùng bàn chải cứng tác động khá tiêu cực đến các mắc cài của khí cụ niềng răng, dễ xảy ra tình trạng bung hay gãy mắc cài. Khi dùng lực quá mạnh để chải răng thì lông bàn chải sẽ bị uốn cong, càng khó hơn cho việc loại bỏ những mẩu thức ăn thừa, thậm chí còn gây ra nhiều vấn đề về nướu lợi, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến áp xe răng.

Vệ sinh răng niềng sai lầm sẽ khiến bạn gặp rất nhiều vấn đề về răng miệng

Nhầm tưởng thứ hai đó là việc sử dụng bàn chải điện sẽ nhanh và sạch hơn. Điều này cũng đúng nhưng chưa đủ. Bàn chải điện chỉ có hiệu quả làm sạch vùng răng bên trong, còn vùng bên ngoài do vướng mắc cài nên nó sẽ không phát huy tối đa hiệu quả. Thậm chí nếu sử dụng lực quá mạnh sẽ khiến các mắc cài bị dịch chuyển gây lệch, bung mắc cài.

Cuối cùng đó là việc chải răng nhiều lần mới sạch. Thực tế, vệ sinh răng miệng quá nhiều lần trong ngày sẽ khiến men răng bị yếu đi. Các bác sĩ luôn khuyến cáo chúng ta chỉ nên chải răng từ 2-3 lần/ngày, sử dụng kết hợp với các loại dung dịch súc miệng, chỉ nha khoa để vệ sinh niềng răng và các kẽ răng sau khi ăn.

Hậu quả của việc vệ sinh không đúng cách khi niềng răng

Vệ sinh răng miệng khi niềng không đúng cách có hậu quả gì?

Niềng răng là một quá trình đầy gian khổ, việc vệ sinh răng niềng không đúng cách có thể dẫn đến một số hậu quả như:

  • Bung, lệch mắc cài: Đây là hệ quả thường thấy khi vệ sinh răng miệng không đúng cách trong quá trình niềng răng. Mắc cài bung, lệch sẽ khiến bạn phải mất thời gian cho việc đến nha sĩ điều chỉnh lại, nếu xảy ra nhiều lần có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả niềng răng.
  • Tăng nguy cơ đột quỵ: Các nghiên cứu y khoa về răng miệng đã chứng minh rằng việc chăm sóc răng miệng không đúng cách trong thời gian niềng răng sẽ khiến nướu dễ bị viêm, dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Khi nướu, lợi bị tổn thương, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào máu gây vón cục - một nguyên nhân khiến nguy cơ người bị bệnh đột quỵ tăng cao.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Các bệnh về nướu và bệnh tiểu đường có mối liên hệ mật thiết với nhau bởi người mắc bệnh tiểu đường thường nướu sẽ yếu đi và dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Vệ sinh răng niềng không đúng cách dễ gây viêm nướu, làm giảm khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu của cơ thể, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.
  • Nguy cơ bị đãng trí: Nếu không biết cách vệ sinh răng miệng khi niềng răng, hậu quả nghiêm trọng nhất có thể xảy ra là rụng răng, mà rụng răng có mối liên hệ mật thiết với nguy cơ mắc chứng đãng trí và giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer. Nguyên nhân chính là do khi bị viêm, trong nướu tiết ra các chất gây viêm có khả năng gây ảnh hưởng đến não, làm chết các tế bào não và khiến trí nhớ ngày một kém đi.

Vậy chăm sóc và vệ sinh răng miệng khi niềng răng thế nào mới đúng?

Hướng dẫn chăm sóc đúng cách cho người niềng răng

Với người mới niềng răng, việc trang bị kiến thức vệ sinh răng miệng đúng cách vô cùng quan trọng để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.

  • Nên dùng bàn chải chuyên dụng để chải răng: Sử dụng bàn chải chuyên dụng sẽ đem đến hiệu quả tối đa vì chúng có thể giúp lấy đi một lượng lớn các mảnh vụn thức ăn trên răng và nướu. Nếu không dùng bàn chải chuyên dụng, bạn nên dùng bàn chải mềm với một lực vừa phải và kem đánh răng có chứa fluor. Đặt bàn chải phía trên nướu với độ nghiêng vừa phải và nhẹ nhàng chải dọc theo bề mặt của răng. Chải thật sạch từng mặt răng của tất cả các răng, bao gồm các vùng phía trên, dưới, giữa mỗi mắc cài.
  • Chải răng ít nhất 2 lần một ngày: Chải thật sạch răng miệng sau mỗi bữa ăn và một ngày nên chải răng từ 2 tới 3 lần. Nên thay bàn chải đánh răng thường xuyên khoảng 3 tháng 1 lần. Đặc biệt, bạn không được chải răng quá mạnh vì nó có thể làm răng và hệ thống mắc cài bị tổn thương.
  • Sử dụng kết hợp bàn chải kẽ, chỉ tơ nha khoa, máy tăm nước: Chỉ chải răng không giúp bạn làm sạch triệt để các vụn thức ăn, mảng bám trong các kẽ răng hay trên khí cụ niềng răng. Vì vậy, các bác sĩ nha khoa hướng dẫn vệ sinh răng miệng khi niềng răng thường khuyến cáo bệnh nhân nên dùng thêm các sản phẩm như máy tăm nước hay chỉ tơ nha khoa, bàn chải kẽ để làm sạch triệt để hơn. Đặc biệt, các loại máy tăm nước cho người niềng răng sử dụng tia nước để làm sạch nhẹ nhàng, không hề gây tổn thương, chảy máu nướu lợi.Nên sử dụng máy tăm nước khi niềng răng để làm sạch các vụn thức ăn còn sót lại
  • Sử dụng nước súc miệng: Chỉ làm sạch răng thôi là chưa đủ mà bạn cần làm sạch cả khoang miệng. Làm sạch khoang miệng trong khoảng thời gian niềng răng sẽ giúp bạn có sức khỏe răng miệng tốt, hạn chế được tình trạng răng miệng bị tấn công bởi vi khuẩn cũng như cải thiện được nguy cơ xuất hiện các bệnh lý răng miệng gây tổn thương cho sức khỏe răng và ảnh hưởng tới quá trình niềng răng. Vì vậy, sau khi đánh răng, bạn nên súc miệng sạch một lần nữa bằng các loại dung dịch nước muối loãng, nước súc miệng chuyên dụng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng súc miệng quá nhiều lần trong ngày bởi làm như vậy vô tình sẽ khiến các lợi khuẩn trong khoang miệng cũng bị tiêu diệt.

Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng đúng cách khi niềng răng, bạn cũng nên chú ý thay đổi một vài thói quen sinh hoạt để hiệu quả niềng răng được tốt hơn như:

  • Điều chỉnh chế độ ăn: Ăn nhiều thức ăn mềm, tránh ăn các loại đồ ăn quá cứng hoặc quá dai, dính. Khi ăn, bạn nên cắt thành từng miếng nhỏ cho dễ nhai và tiêu hóa, tránh vụn thức ăn mắc lại trên mắc cài.
  • Ăn chậm, nhai kỹ để tránh cắn trúng hạt, xương và giảm lực tác động lên xương, răng và dây chằng bởi khi niềng răng, các bộ phận này bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu nên chúng sẽ bị yếu đi khá nhiều.
  • Tránh uống nước ngọt, các chất kích thích, nước hoa quả có vị chua, đồ ngọt… vì hầu hết các loại nước này đều chứa nhiều axit và đường. Các chất này có thể ăn mòn răng và khí cụ niềng răng, đồng thời để lại đốm trắng trên răng. Uống quá nhiều nước ngọt còn có thể gây ra sâu răng.

Niềng răng là một hành trình đầy gian khổ và phải có sự đầu tư, chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng khiến bạn phải bỏ rất nhiều tiền của và công sức để khắc phục. Vì vậy, hãy biết chăm sóc, vệ sinh răng niềng đúng cách ngay từ đầu nhé! Chúc các bạn luôn khỏe và tự tin với hàm răng chắc khỏe.

Thứ Ba, 03/03/2020 08:42
51 👨 575
0 Bình luận
Sắp xếp theo