Năm 2021 là năm ngắn nhất từng ghi nhận, ngắn hơn trung bình các năm bình thường khoảng 65 mili giây (1000 mili giây = 1 giây). Nguyên nhân là do tốc độ quay của Trái Đất nhanh hơn.
Chỉ một thay đổi nhỏ trong tốc độ quay của Trái đất cũng sẽ khiến thời gian của một ngày dài hoặc ngắn hơn một phần nhỏ của giây so với mức trung bình 86.400 giây.
Rất khó dự đoán trước được độ dài ngắn của một ngày bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quỹ đạo Mặt Trăng và khoảng cách của Mặt Trăng với Trái Đất (tác động tương đối ngắn hạn); chuyển động của đại dương và chuyển động bên trong hành tinh xanh (tác động lâu dài hơn).
Từ những năm 1960, các nhà khoa học đã sử dụng đồng hồ nguyên tử để đo độ dài ngày, từ đó biết được chính xác khi nào thì độ dài ngày sai lệch so với mức trung bình. Đồng hồ nguyên tử là loại đồng hồ cực kỳ chính xác, không nhanh hay chậm quá 0,0000001 giây mỗi năm so với đồng hồ lý tưởng. Văn phòng Vòng quay Trái Đất Quốc tế (IERS) là cơ quan đưa ra số liệu chính thức về độ dài của một ngày.
Từ khi được công nhận vào năm 1967 đến nay, đồng hồ nguyên tử cho thấy sự ổn định hơn khoảng 100 lần so với năm Mặt trời. Trong suốt 30 năm qua, trải qua hơn một triệu lần cải tiến, đồng hồ nguyên tử đã được trở thành công cụ đo cực kỳ chính xác.
Đồng hồ nguyên tử ngày nay có thể cung cấp thời gian yêu cầu - chính xác đến một phần tỷ giây cho những hệ thống lập bản đồ sử dụng Hệ thống Định vị Toàn cầu GPS và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác.