Khắc phục lỗi “This Device Can Perform Faster” khi kết nối thiết bị USB

Lỗi này thông báo cho bạn biết rằng có thể tăng tốc cho kết nối USB

Đã bao giờ bạn nhận được thông báo lỗi “This device can perform faster” trên màn hình khi kết nối thiết bị USB vào máy tính hay chưa?

Lỗi này thông báo cho bạn biết rằng có thể tăng tốc cho kết nối USB bằng cách sử dụng một cổng kết nối vật lý khác (cổng USB 2.0) hoặc phần cứng khác. Tuy nhiên, nếu bạn đã kết nối qua cổng USB 2.0 mà thông báo trên vẫn xuất hiện, thì đây đã là một lỗi mà bạn cần phải tìm hiểu và tiến hành một số bước để giải quyết vấn đề.

1. Thiết bị và cổng không tương thích

Đầu tiên, cần đảm bảo rằng thiết bị của bạn phải phù hợp với cổng kết nối. Chẳng hạn nếu bạn sử dụng một ổ USB 1.1 đời cũ cắm vào cổng USB 2.0, khi đó Windows sẽ hiển thị cảnh báo lỗi “this device can perform faster”.

Trong trường hợp này, không phải là thiết bị của bạn có thể hoạt động nhanh hơn mà là cổng USB của bạn đang hoạt động với khả năng thấp hơn tốc độ mà nó thật sự hỗ trợ. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra lại phiên bản của cáp kết nối mà mình đã sử dụng.

Tương tự nếu bạn cắm USB 2.0 vào cổng USB 3.0. Khi đó USB sẽ tương thích ngược lại, do đó tốc độ đọc dữ liệu không được như ý muốn của bạn.

2. Drivers

Lỗi driver USB cũng có thể là nguyên nhân gây ra lỗi “This device can perform faster”.

Để khắc phục lỗi này, bạn có thể tải và cài đặt driver cổng USB mới nhất hoặc driver chipset motherboard từ website của nhà sản xuất máy tính của bạn. Ngoài ra bạn có thể truy cập vào trình quản lý thiết bị Device Manager trên máy tính của bạn.

Trên khung Search Start menu, bạn nhập từ khóa Device Manager vào đó rồi nhấn Enter. Tại đây, bạn quan sát các cổng USB và xem có cổng nào bị lỗi hay không (có biểu tượng dấu chấm than màu vàng). Nếu có, bạn bấm chuột phải vào thiết bị và chọn Update Driver Software để cập nhật driver cho thiết bị.

3. Dây cáp

Một nguyên nhân khác có thể gây ra lỗi đó là do dây cáp USB. Nếu dây cáp được thiết kế dành cho các thiết bị chuẩn USB 1.1 thì sẽ không cho phép hoạt động với tốc độ của chuẩn USB 2.0.

Trong một số trường hợp có thể là do dây cáp USB bị lỗi. Khi đó, bạn chỉ cần đổi dây cáp là xong.

4. Lỗi phần cứng

Thử cắm USB hoặc dây cáp vào một cổng USB khác trên máy của bạn. Trong một số trường hợp nguyên nhân gây ra lỗi có thể là do cổng USB bị lỗi và không hoạt động đúng cách.

Ngoài ra nguyên nhân cũng có thể là do chính thiết bị kết nối với máy tính. Trường hợp này bạn có thể kiểm tra USB bằng cách cắm vào một máy tính khác không bị lỗi này. Nếu lỗi tương tự vẫn xuất hiện thì nguyên nhân là do USB chứ không phải do máy tính.

5. Nguồn

Một số thiết bị có thể cần nhiều điện năng hơn so với lượng điện năng mà nó nhận được từ kết nối USB, ví dụ đĩa cứng gắn ngoài cần điện năng nhiều hơn so với bàn phím sử dụng cổng USB. Nếu bạn đang sử dụng một hub USB và nhận được thông báo lỗi trên, có khả năng là bạn đã không cung cấp đủ năng lượng cho hub.

Thực tế có 2 loại hub USB: một loại chỉ sử dụng năng lượng từ máy tính và một loại có thể sử dụng năng lượng từ nguồn gắn ngoài. Thông thường, chỉ có loại hub USB sử dụng năng lượng từ nguồn ngoài là có thể đáp ứng đủ năng lượng cho việc kết nối các thiết bị của bạn.

Ngoài ra lỗi này có thể xảy ra vì nguyên nhân cổng USB trên máy tính của bạn không được thiết kế phân phối năng lượng tốt. Trường hợp này liên quan đến phần cứng máy tính. Bạn có thể thử cắm thiết bị vào một cổng USB khác.

6. BIOS

Nhiều máy tính có BIOS có thể thiết lập chuyển đổi giữa các chế độ khác nhau nhằm mục đích tương thích USB.

Nhìn chung, thiết lập BIOS luôn ở mức tối ưu, nhưng đôi khi những thiết lập này đã bị thay đổi. Để truy cập vào BIOS của máy tính của bạn, khi khởi động lại máy tính, bạn bấm phím xuất hiện trên màn hình - thường là phím F2 hoặc phím Delete. Khi truy cập vào màn hình BIOS, bạn tìm mục có tên USB Mode (hoặc tương tự) và đảm bảo rằng thiết bị được thiết lập với tốc độ cao nhất có thể.

Chẳng hạn, nếu máy tính hỗ trợ USB 2.0 thì thiết lập USB Mode trong BIOS nên đặt là 2.0 Mode chứ không phải 1.1 Mode. Thiết lập này cũng có thể được đặt tên khác như là “high speed” USB, tùy vào từng loại BIOS.

7. Vô hiệu hóa cảnh báo

Nếu đã áp dụng mọi cách mà vẫn không thể khắc phục được lỗi, hoặc nếu đã xác định được nguyên nhân gây ra lỗi nằm ở thiết bị hay nằm ở máy tính và bạn buộc phải sống chung với nó. Khi đó bạn có thể vô hiệu hóa cảnh báo xuất hiện trên màn hình mỗi khi kết nối USB vào máy tính. Thiết bị vẫn sẽ chạy ở tốc độ thấp hơn trên lý thuyết, nhưng ít nhất thì Windows sẽ không làm bạn khó chịu khi cứ hiển thị thông báo trên màn hình.

Để vô hiệu hóa cảnh báo xuất hiện trên màn hình, bạn mở Device Manager (gõ Device Manager vào Start menu rồi nhấn Enter), sau đó kích chuột phải vào USB host controller nằm dưới mục Universal Serial Bus controllers rồi chọn Properties.

Tại đây bạn chuyển qua thẻ Advanced và bỏ tích mục Tell me if my device can perform faster rồi click chọn OK là xong.

Tham khảo thêm một số bài viết dưới đây:

Chúc các bạn thành công!

Thứ Hai, 30/05/2016 07:45
4,25 👨 22.580
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bảo mật máy tính