Hàm là thành phần chính của các ứng dụng bảng tính như Google Sheets. Nhưng nếu bạn hiếm khi sử dụng chúng hoặc chỉ mới bắt đầu, chúng có thể khiến bạn thấy choáng ngợp. Sau đây là một số hàm đơn giản của Google Sheets.
1. Hàm SUM
Không gì cơ bản hơn khi làm việc với các con số là cộng tổng. Sử dụng hàm SUM, bạn có thể tính tổng nhiều số, cộng các số trong ô hoặc sử dụng kết hợp cả hai.
Cú pháp của hàm là SUM(value1,value2,...) với value1 bắt buộc và value2 tùy chọn.
Để tính tổng các số 10, 20 và 30, bạn sẽ sử dụng công thức sau:
=SUM(10,20,30)
Để tính tổng các số trong những ô từ A1 đến A5, bạn sẽ sử dụng công thức sau:
=SUM(A1:A5)
2. Hàm AVERAGE
Có thể bạn cần biết giá trị trung bình của các số trong phạm vi ô. Hàm AVERAGE sẽ giúp bạn thực hiện việc này.
Tương tự như cách tính giá trị trung bình trong Excel, cú pháp của hàm Google Sheets là AVERAGE (value1,value2,...) với value1 bắt buộc và value2 tùy chọn.
Để tìm giá trị trung bình của các số 10, 20 và 30, bạn sẽ sử dụng công thức sau:
=AVERAGE(10,20,30)
Để tìm giá trị trung bình của các số trong phạm vi ô từ A1 đến A5, hãy sử dụng công thức sau:
=AVERAGE(A1:A5)
Mẹo: Bạn cũng có thể xem các phép tính cơ bản không có công thức trong Google Sheets.
3. Hàm COUNT
Nếu đã từng phải đếm các ô, bạn sẽ đánh giá cao hàm COUNT. Với hàm này, bạn có thể đếm có bao nhiêu ô trong một phạm vi chứa số.
Cú pháp của hàm là COUNT(value1,value2,...) với value1 là bắt buộc và value2 là tùy chọn.
Để đếm các ô từ A1 đến A5, bạn sẽ sử dụng công thức sau:
=COUNT(A1:A5)
Để đếm các ô từ A1 đến A5 và D1 đến D5, hãy sử dụng công thức sau:
=COUNT(A1:A5,D1:D5)
Bạn cũng có thể đếm dữ liệu phù hợp với tiêu chí bằng COUNTIF trong Google Sheets.
4. Hàm NOW và TODAY
Nếu muốn xem ngày và giờ hiện tại mỗi khi mở Google Sheets, bạn có thể sử dụng hàm NOW hoặc TODAY. NOW hiển thị ngày và giờ trong khi TODAY chỉ hiển thị ngày hiện tại.
Cú pháp cho mỗi hàm lần lượt là NOW() và TODAY() không có đối số bắt buộc. Chỉ cần nhập một trong những thông tin sau vào trang tính của bạn để hiển thị ngày và giờ hoặc chỉ ngày.
NOW()
TODAY()
Nếu muốn ngày tháng xuất hiện ở một định dạng nhất định, bạn có thể đặt định dạng ngày mặc định trong Google Sheets.
5. Hàm CLEAN
Khi bạn nhập dữ liệu từ một vị trí khác vào trang tính của mình, dữ liệu đó có thể bao gồm các ký tự không in được hoặc ASCII như dấu cách và xuống dòng. Hàm CLEAN loại bỏ cả ký tự hiển thị và không nhìn thấy.
Cú pháp là CLEAN(text) với phần text (nội dung) là bắt buộc.
Để xóa các ký tự không in được khỏi văn bản trong ô A1, bạn sẽ sử dụng công thức sau:
=CLEAN(A1)
Lưu ý: Bởi vì hàm này loại bỏ cả ký tự bạn có thể và không thể nhìn thấy, nên bạn có thể không nhận thấy sự khác biệt trong ô kết quả.
6. Hàm TRIM
Một hàm hữu ích khác để dọn dẹp trang tính là TRIM. Cũng giống như trong Microsoft Excel, hàm này loại bỏ các khoảng trắng trong một ô.
Cú pháp là TRIM(text) trong đó phần text có thể đại diện cho một tham chiếu ô hoặc văn bản thực tế.
Để loại bỏ khoảng trắng trong ô A1, bạn sẽ sử dụng công thức sau:
=TRIM(A1)
Để xóa khoảng trắng khỏi " remove extra space ", hãy sử dụng công thức sau:
=TRIM(" remove extra space ")
7. Hàm CONCATENATE và CONCAT
Để kết hợp chuỗi, văn bản hoặc giá trị, bạn có thể sử dụng hàm CONCATENATE và CONCAT. Sự khác biệt chính giữa hai hàm này là CONCATENATE cung cấp tính linh hoạt cao hơn. Ví dụ, bạn có thể kết hợp các từ và chèn khoảng trắng giữa chúng.
Cú pháp cho mỗi hàm lần lượt là CONCATENATE(string1,string2,...) và CONCAT(value1,value2) trong đó tất cả các đối số ngoại trừ string2 là bắt buộc.
Để kết hợp các giá trị trong ô A1 và B1, bạn có thể sử dụng công thức sau:
=CONCATENATE (A1,B1)
Để kết hợp các từ “How”, “To” và “Geek” với dấu cách, bạn sẽ sử dụng công thức này:
=CONCATENATE("How"," ","To"," ","Geek")
Để kết hợp các giá trị 3 và 5, bạn có thể sử dụng công thức sau:
=CONCAT(3,5)
8. Hàm IMAGE
Mặc dù Google Sheets cung cấp tính năng chèn hình ảnh vào ô, nhưng hàm IMAGE cung cấp cho bạn các tùy chọn bổ sung để thay đổi kích thước hoặc đặt chiều cao và chiều rộng tùy chỉnh theo pixel.
Cú pháp của hàm là IMAGE(url, mode, height, width) với URL bắt buộc và các đối số khác là tùy chọn.
Để chèn một hình ảnh có URL, bạn sẽ sử dụng công thức sau:
=IMAGE("https://logos-download.com/wp-content/uploads/2019/11/How-To_Geek_Logo.png")
Để chèn cùng một hình ảnh đã được thay đổi kích thước với chiều cao và chiều rộng tùy chỉnh, hãy sử dụng công thức sau:
=IMAGE ("https://logos-download.com/wp-content/uploads/2019/11/How-To_Geek_Logo.png", 4,50,200)
4 trong công thức này là chế độ cho phép kích thước tùy chỉnh của hình ảnh là 50 x 200 pixel.
Lưu ý: Bạn không thể sử dụng đồ họa SVG hoặc URL cho hình ảnh trong Google Drive.
9. Hàm ISEMAIL và ISURL
Khi nhập dữ liệu trong Google Sheets, bạn có thể muốn xác minh xem đó có phải là dữ liệu dự định không. Với ISEMAIL và ISURL, bạn có thể đảm bảo dữ liệu là địa chỉ email hoặc URL hợp lệ.
Cú pháp cho mỗi hàm lần lượt là ISEMAIL(value) và ISURL(value), nơi bạn có thể sử dụng tham chiếu ô hoặc văn bản. Kết quả xác thực hiển thị là TRUE hoặc FALSE.
Để kiểm tra địa chỉ email trong ô A1, bạn sẽ sử dụng công thức sau:
=ISEMAIL(A1)
Để kiểm tra URL trong ô A1, hãy sử dụng công thức sau:
=ISURL(A1)
Để sử dụng văn bản trong công thức cho địa chỉ email hoặc URL, chỉ cần nhập nó trong dấu ngoặc kép như sau:
=ISURL("www.howtogeek.com")
Nếu cần, bạn đọc có thể tham khảo thêm: Cách sử dụng các hàm AND và OR trong Google Sheets.