Google phát triển thành công thuật toán chống biến dạng khuôn mặt, giúp những bức ảnh tự sướng có thể đạt tỉ lệ chuẩn xác cao

Trong một nghiên cứu mới được công bố gần đây, người ta đã phát hiện ra rằng có tới 93 triệu bức ảnh tự sướng được đăng tải lên các phương tiện truyền thông xã hội mỗi ngày. Lấy ví dụ cụ thể hơn với trang mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram, cứ sau 10 giây lại có 10 bức ảnh tự sướng được đăng tải lên nền tảng này. Nó cho thấy những tấm hình selfie đang ngày càng trở thành yếu tố xuất hiện phổ biến trên mạng xã hội.

Tất nhiên công trình nghiên cứu này không phải chỉ để “cho vui”. Toàn bộ dữ liệu liên quan đã được các nhà sản xuất điện thoại thông minh lấy làm động lực để tạo ra những hệ thống camera selfie hoàn thiện hơn. Tất cả cùng cạnh tranh để tạo ra những sản phẩm đem lại chất lượng tốt nhất nhằm chiếm lĩnh thị trường và đó chính là mặt tích cực của sự cạnh tranh.

Thật vậy, có lẽ không cần phải là người quá am hiểu về thị trường điện thoại thông minh bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng các hãng sản xuất đang ngày một quan tâm nhiều hơn đến cụm camera selfie: Nhiều “chấm” hơn, nhiều công nghệ, tính năng tiên tiến hơn, và đặc biệt, nhiều cảm biến hơn. Tuy nhiên, các hệ thống camera selfie hiện nay trên smartphone dù là chất lượng đến mấy đều chứa đựng một điểm yếu khó chịu chưa thể khắc phục được, đó là không thể bảo toàn được tỉ lệ khuôn mặt chuẩn xác của người chụp trong bức ảnh, hay có thể hiểu nôm na rằng khuôn mặt của bạn trong bức ảnh tự sướng đã bị “méo” so với thực tế. Vấn đề khiến các nhà sản xuất “đau đầu” nằm ở chỗ điểm yếu này không thể được giải quyết bằng cách sử dụng cảm biến nhiều “chấm” hơn.

Hiện tượng méo mặt trong ảnh selfieHiện tượng "méo mặt" trong ảnh selfie

Tuy nhiên điều này có thể sẽ sớm thay đổi nhờ thành tựu của các nhà nghiên cứu tại Google. Nhóm nghiên cứu của Google cùng với các chuyên gia đến từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển thành công một thuật toán chống biến dạng khuôn mặt cho các hệ thống camera selfie.

Công trình nghiên cứu được các nhà khoa học đặt tên: “Distortion-Free Wide-Angle Portraits on Camera Phones” (tạm dịch: Chụp chân dung góc rộng không bị biến dạng trên camera điện thoại), chủ yếu thảo luận về một thuật toán mà họ đã phát triển được cũng như làm sáng tỏ về cách thức nó giải quyết vấn đề về biến dạng khuôn mặt trong những bức ảnh chụp từ camera selfie. Dưới đây là những gì bài nghiên cứu nói về thuật toán mới này:

“Bằng việc đưa ra một bức ảnh chụp chân dung làm dữ liệu đầu vào, chúng tôi đã xây dựng vấn đề xung quanh việc làm thế nào để tối ưu hóa và tạo ra một thuật toán nhận biết nội dung thích ứng cục bộ, kết hợp với hình chiếu lập thể các vùng trên khuôn mặt, đồng thời phát triển liền mạch với hình chiếu phối cảnh trên nền. Thuật toán mới của chúng tôi có thể thể hiện một cách hiệu quả và đáng tin cậy cho một nhóm lớn các đối tượng trong ảnh. Thuật toán đề xuất hoàn toàn tự động và hoạt động ngang với tốc độ tương tác trên các nền tảng di động. Chúng tôi đã chứng minh kết quả đầy hứa hẹn trên một loạt các FOV (khoảng nhìn thấy và thu nhận trên cảm biến điện tử qua hệ thấu kính) từ 70 độ đến 120 độ".

So sánh kết quả giữa những bức ảnh đầu vào và sau khi qua xử lý bằng thuật toán

Ảnh sau khi qua xử lý bằng thuật toán có tỷ lệ chuẩn xác hơnSo sánh kết quả giữa những bức ảnh đầu vào và sau khi qua xử lý bằng thuật toán

Thật tuyệt vời khi thấy các nhà sản xuất điện thoại thông minh cũng đặc biệt tỏ ra hào hứng với thuật toán mới này của gã khổng lồ Mountain View ngay khi những thông tin đầu tiên được đưa ra. Tuy nhiên, vì Google là nhân tố chính trong việc phát triển thuật toán, do đó nhiều khả năng họ sẽ là người đầu tiên sử dụng nó trên sản phẩm thương mại của mình, cụ thể ở đây là những chiếc điện thoại thông minh Pixel trong tương lai, tạo ra lợi thế cạnh tranh không hề nhỏ trên thị trường smartphone vốn đã rất “ngột ngạt”.

Video mô tả công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Google và MIT

Thứ Ba, 18/06/2019 21:59
54 👨 297
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Công nghệ mới