Di sản lớn cản trở Intel chuyển đổi sang di động

Theo CEO của Texas Instruments Rich Templeton, những hứa hẹn của Intel về kiện toàn sản xuất không gây ra một mối nguy trực tiếp nào cho ARM.

>>> ARM: Intel sẽ có chặng đường khó khăn trong thị trường di động

Di sản lớn cản trở Intel chuyển đổi sang di động
Rich Templeton - CEO của Texas Instruments.

Tổng giám đốc điều hành Texas Instruments (TI) vừa "ra đòn" với Intel, tuyên bố rằng toàn bộ lịch sử của Intel gắn liền với sản xuất chip công suất cao cho máy tính cá nhân và điều đó sẽ cản trở tập đoàn này cạnh tranh thành công với các sản phẩm của ARM trên thị trường các thiết bị cầm tay.

"Mặc dù có trong tay những công nghệ sản xuất tiên tiến nhất, Tập đoàn Intel đang gặp những khó khăn không nhỏ trong việc chế tạo chip tiêu thụ năng lượng dưới 1W có thể sử dụng trong điều kiện thực tế - Rich Templeton tuyên bố trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị của Berstein Research, được truyền trực tiếp qua web - Không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì Intel hiện đang phải cạnh tranh chật vật với các đấu thủ dày dạn đã có hàng chục năm kinh nghiệm sản xuất chip trên cơ sở kiến trúc ARM".

Các chip ARM hiện được tích hợp sâu rộng vào máy tính bảng và smartphone khác biệt bởi hiệu quả tiêu thụ điện so với các máy tính bảng và điện thoại di động chế tạo trên nền bộ xử lý của Intel. Mới đây, Intel đã giới thiệu những chip đầu tiên của dòng Atom cho máy tính bảng. Ngoài ra, Intel cũng xuất xưởng các chip cho điện thoại di động, nhưng smartphone xây dựng trên nền Intel cho đến lúc này chưa hề tồn tại.

"Trên thị trường thiết bị di động, các bộ xử lý của ARM liên tục chiến thắng - Templeton nói - Giờ đây, không có gì để bàn cãi về điều đó. Tôi nghĩ rằng, chỉ những ai không tham gia cùng cuộc chiến trường kỳ của chúng ta và không nắm được thời cuộc mới lớn tiếng về việc này".

Trong khi đó, Intel đang đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang những công nghệ sản xuất mới và dự định đến năm 2013 sẽ xuất xưởng các chip có thể cạnh tranh với sản phẩm của ARM về mức độ tiêu thụ điện năng. Ví dụ, Intel đã giới thiệu các transistor 3D sẽ được ứng dụng vào các bộ xử lý thế hệ kế tiếp sản xuất theo quy trình 22nm. Chúng vượt trội so với các transistor 2D đang được tích hợp vào các chip theo tiêu chuẩn thiết kế 32nm đến 37% về tốc độ và ít hơn gấp đôi về tiêu thụ điện. Việc sản xuất chip 22nm sẽ bắt đầu ngay trong năm nay.

Nhưng theo Templeton, cần phải bắt tay vào việc sản xuất chip hiệu năng tiêu thụ điện thấp từ 3 năm trước! Từ đó đến nay, tình huống trên thị trường hầu như không thay đổi. "Tôi đến giờ vẫn không chắc rằng liệu mọi người đã nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc để chip không tiêu thụ quá 1W - Templeton nhấn mạnh - Đã suốt 2 chục năm nay, chúng tôi chế tạo nền tảng thiết bị với mức độ tiêu thụ điện thấp cho điện thoại di động. Và điều đó thật sự có giá trị, đặc biệt là khi điện thoại chỉ dùng để gọi sẽ tiêu thụ chỉ gần 300 mili watt".

TI đang sản xuất chip cho smartphone đã giới thiệu bộ xử lý 4 nhân OMAP4470 với các nhân dựa trên kiến trúc của ARM. Các chip TI được sử dụng trong các máy tính bảng (như Playbook của RIM) và smarphone do Motorola và LG sản xuất. Ngoài Intel, TI còn cạnh tranh với các nhà sản xuất chip dựa trên kiến trúc ARM khác, trong đó có Qualcomm, nVidia và Samsung.

"Intel hiện nay đang nghiên cứu công nghệ hỗ trợ các sản phẩm siêu di động, trong khi trước đó họ chủ yếu tập trung gia tăng năng suất với mức tiêu hao điện năng không đổi - Doug Freedman, Nhà phân tích cấp cao của Công ty Gleacher and Co. nói - Nhưng hiện tại, ARM vẫn có ưu thế. Phần lớn phần mềm cho smartphone hỗ trợ nền tảng ARM. So sánh sản phẩm của ARM và Intel là việc khó vì chúng được thiết kế để xử lý những vấn đề khác nhau với những tải công việc khác nhau. Chỉ khi nào các nhân xử lý kiến trúc x86 của Intel cũng chạy trên hệ điều hành dành cho bộ xử lý ARM, lúc đó mới có thể so sánh chúng một cách bình đẳng. Thời gian gần đây, Intel đã hiểu cần có những chuyển đổi nào để giành chiến thắng trên thị trường siêu di động. Máy tính cá nhân sẽ thay đổi theo hướng bắt đầu giống như điện thoại".

Theo ông Templeton, TI đang có kế hoạch sử dụng bộ xử lý dòng OMAP để xử lý các phần mềm ứng dụng chứ không phải dùng làm bộ xử lý kết nối tích hợp với một dải tần radio hẹp. Nhiều nhà sản xuất chip bao gồm cả Intel và nVidia đang mua lại các công ty sản xuất sản xuất bộ xử lý truyền tín hiệu trong dải tần cơ sở, nhắm tới việc tích hợp công nghệ của các công ty này vào các bộ xử lý của mình. Hồi tháng 5/2011, nVidia đã mua lại Công ty Icera còn Intel trước đó ít lâu thì thâu tóm Infineon. Các chức năng radio 3G và 4G sẽ được tích hợp và các chip Atom.

Tuy nhiên, các chip dùng cho việc truyền tín hiệu theo dải tần cơ sở không phải sẽ cần cho mọi ứng dụng. Nhiều điện thoại hiện tại đã được trang bị đồng thời bộ xử lý truyền tải trong dải tần cơ sở và bộ xử lý để xử lý các ứng dụng, còn các hệ điều hành cho smartphone (Google Android và Apple iOS) thì được phát triển chủ yếu trong môi trường ứng dụng.

"Không có gì khó hiểu trong công ty của chúng tôi - Templeton tuyên bố - Chúng tôi rất chăm chú dõi theo các ứng dụng và thiết kế của những bộ xử lý vận hành với các ứng dụng đó. Việc tách OMAP và các bộ xử lý truyền tín hiệu trong dải tần cơ sở mang lại sự uyển chuyển cho các nhà sản xuất thiết bị cũng như các nhà sản xuất chip. Khách hàng OEM của chúng tôi thích chọn bộ xử lý, đầu tư vào phần mềm rồi mới nói chuyện với các chuyên gia viễn thông".

Thứ Sáu, 10/06/2011 06:34
31 👨 83
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp