Để xử lý dầu ăn thừa, nhiều người thường đổ luôn xuống cống hoặc xả xuống bồn cầu mà không biết rằng đây là cách làm sai, có thể gây tắc nghẽn đường ống. Ngoài ra, việc đổ dầu ăn thừa bừa bãi cũng thu hút chuột, gián, ruồi giấm gây ảnh hưởng tới môi trường sống. Vậy, xử lý dầu ăn thừa thế nào là đúng cách? Dưới đây là một số phương pháp xử lý dầu ăn thừa đúng, mời các bạn tham khảo.
Mục lục bài viết
Cho dầu thừa vào lọ/can/lon... chứa rồi mới bỏ đi
Sau khi dầu ăn thừa đã nguội hoàn toàn, hãy cho chúng vào chai, lọ kín, túi ziploc rồi bỏ vào thùng rác.
Nếu lượng dầu ăn thừa ít, bạn có thể dùng giấy thấm dầu hoặc giấy vệ sinh thấm hết rồi cho vào thùng rác.
Thậm chí, theo đầu bếp chuyên nghiệp Jennifer Hill Booker (Mỹ) nên đông lạnh dầu ăn thừa trước khi vứt vào thùng rác, để tránh chúng không bị rò rỉ.
Lưu trữ hoặc tái sử dụng dầu ăn thừa
Có thể tái chế dầu ăn đã sử dụng một lần mà không bị cháy để sử dụng tiếp.
Theo chuyên trang hướng dẫn nấu ăn Southern Living (Mỹ), để tái chế dầu ăn cần phải loại bỏ hết cặn dầu, thức ăn còn sót lại.
Mẹo làm sạch cặn dầu ăn đã dùng
Lót khăn giấy hoặc giấy lọc cà phê vào phễu hoặc rây để lọc dầu.
Sử dụng bột năng, bột ngô lọc dầu ăn. Cho bột năng vào 100ml nước và khuấy đều đến khi bột tan. Rót hỗn hợp này vào chảo mỡ/dầu sôi, cặn thức ăn sẽ bám vào bột. Khi bột nổi lên thì dùng vợt vớt hết bột ra, dầu sẽ trong veo như mới.
Cách bảo quản dầu ăn đã qua sử dụng
Tốt nhất nên cho dầu ăn đã qua sử dụng vào lọ thủy tinh, đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh. Dầu đã qua sử dụng chỉ có thể giữ được từ ba đến bốn tuần.
Khi nào không nên sử dụng dầu ăn tái chế?
- Nếu dầu đã được lọc kỹ mà dầu vẫn còn cặn trông giống như bụi than thì không nên tái sử dụng.
- Dầu ăn sau khi đã lọc và bảo quản trong tủ lạnh mà thấy xuất hiện các chất sền sệt ở đáy chai/lọ thì dầu đó không còn tốt để tái sử dụng, hãy vứt bỏ.
- Nếu dầu đã qua sử dụng có mùi khó chịu, thì không nên tái sử dụng.
Hãy nhớ vứt bỏ dầu ăn thừa theo đúng cách đã hướng dẫn ở trên nhé.