Những việc cần làm sau khi đổi thẻ Căn cước công dân gắn chip

Hiện nay, nhiều người đang chuyển đổi chứng minh nhân dân (CMND), thẻ căn cước công dân mã vạch sang thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Vậy, trong trường hợp thay đổi thông tin giấy tờ pháp lý cá nhân như vậy thì công dân cần phải làm gì, cần phải khai báo việc thay đổi thông tin mới cho cơ quan nào và thay những loại giấy tờ nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé.

Giấy tờ cần thay đổi khi đổi sang thẻ CCCD gắn chip

Cần làm gì với cơ quan thuế khi cá nhân đổi CMND sang CCCD gắn chip?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019, khi có thay đổi một trong các thông tin trên tờ khai đăng ký thuế (CMND, CCCD,...), cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

Người lao động có thể tự mình thực hiện khai báo hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế.

Chậm thực hiện thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế có bị xử phạt?

Trong trường hợp vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 6 Điều 11 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì không áp dụng xử phạt hành chính về thời hạn thông báo thay đổi đối với các trường hợp:

  • Cá nhân không kinh doanh đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân chậm thay đổi thông tin về CMND khi được cấp thẻ CCCD;
  • Cơ quan chi trả thu nhập chậm thông báo thay đổi thông tin về CMND khi người nộp thuế thu nhập cá nhân là các cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân được cấp thẻ CCCD;

Đổi sang Căn cước công dân gắn chip có phải báo với ngân hàng?

Khi khách hàng đổi CMT từ 9 số sang thẻ CCCD gắn chip, họ cần mang thẻ CCCD gắn chip mới đến ngân hàng để cập nhật thay đổi thông tin khách hàng lên hệ thống để thuận tiện cho việc giao dịch.

Đổi sang Căn cước công dân có phải đổi sổ BHXH?

Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định các trường hợp cấp lại sổ BHXH như sau:

  • Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng;
  • Cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch.

Quy định trên cho thấy, không ghi nhận trường hợp cấp lại sổ BHXH khi đổi CMND sang Căn cước công dân.

Trước đó, Công văn 3835/BHXH-CST do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về việc sai sót các tiêu thức giữa sổ BHXH và CMND có nêu:

Nếu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung như số CMND, ngày cấp, nơi cấp Giấy CMND, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ BHXH.

Như vậy, khi người lao động thay đổi từ CMND sang Căn cước công dân hoặc thay đổi thông tin trên các loại thẻ này đều không phải thực hiện thủ tục cấp lại sổ BHXH.

Tuy nhiên, số CMND hay số Căn cước công dân là một trong những tiêu thức quản lý đối tượng của cơ quan BHXH. Chính vì vậy, người lao động nên lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, bảo hiểm y tế để cơ quan BHXH cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.

Đổi sang thẻ căn cước công dân có phải cấp đổi lại hộ chiếu không?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Luật căn cước công dân 2014 thì thẻ Căn cước công dân có thể thay thế hộ chiếu nếu Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết sử dụng thẻ Căn cước thay hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Do vậy, nếu hộ chiếu của bạn thuộc trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết sử dụng thẻ Căn cước thay hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau thẻ căn cước của bạn sẽ thay thế cho hộ chiếu khi nhập cảnh, xuất cảnh. Do đó, bạn sẽ không phải tiến hành thủ tục cấp đổi hộ chiếu. Nếu không thuộc trường hợp trên thì bạn sẽ phải tiến hành thủ tục sửa đổi thông tin số chứng minh nhân dân trên hộ chiếu theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 07/2013/TT-BCA, hồ sơ sửa đổi thông tin gồm:

  • Tờ khai (mẫu X01)
  • Giấy tờ chứng minh cho việc điều chỉnh thông tin (Bản sao chứng thực thẻ căn cước công dân, Giấy xác nhận số căn cước công dân và Chứng minh thư là của một người)
  • Hộ chiếu cũ (còn thời hạn ít nhất 1 năm).

Lưu ý:

Người dân sau khi làm CCCD gắn chip nên giữ lại CMND cũ để tránh những rắc rối nếu có.

Thứ Hai, 22/03/2021 17:58
31 👨 7.243
0 Bình luận
Sắp xếp theo