8 lý do vì sao muốn kinh doanh thành công, đừng để “cái tôi” lấn át

Muốn kinh doanh thành công, hãy gạt bỏ "cái tôi" sang một bên và tập trung vào làm!

Con người ai cũng có "cái tôi". Bạn không thể phủ nhận là mình không có. Vấn đề ở chỗ là có người biết kiểm soát, có người lại không khiến mọi thứ trong cuộc đời diễn ra không như ý muốn. Hãy cùng đọc chia sẻ dưới đây của tác giả John Rampton đăng trên Tạp chí Entrepreneur để có cái nhìn sâu hơn nữa về "cái tôi" và tác hại của nó.

Cách đây nhiều năm, tôi đã từng làm chủ một startup thành công. Sau đó, tôi bán lại nó và thu được khá nhiều tiền. Chính vì điều này đã khiến tôi có một suy nghĩ rằng mình có thể làm mọi thứ. Từ đó, tôi bắt đầu để cho "cái tôi" cá nhân "lộng hành".

Sau đó một thời gian, tôi khởi chạy một dự án kinh doanh mới và hành động như thể tôi là một "quả bom" – chẳng ai ngăn được tôi "bùng nổ" cả. Chẳng mấy chốc, tôi thất bại và lý do không phải do công ty, sản phẩm hay nhân sự. 100% là do chính tôi – "kẻ cầm dao" hủy hoại những gì tôi đã tự gây dựng. Tôi mất gần hết những gì mà tôi có.

Trong kinh doanh, biết kiểm soát "cái tôi" – có một "cái tôi lành mạnh" là điều tuyệt vời nhất. Nó giúp bạn biết tự trọng, biết lượng sức mình và tự tin vào bản thân để dám mạo hiểm bắt đầu kinh doanh trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi không thể "giữ" được, "cái tôi" sẽ trở nên hung hăng và có thể dẫn đến rất nhiều tình huống nghiêm trọng.

Cái tôi

Dưới đây là 8 lý do tại sao bạn cần kiểm soát "cái tôi" của mình nếu muốn kinh doanh bền vững.

1. "Cái tôi" khiến bạn không nhận ra được rằng mình còn phải học hỏi

Khi bắt đầu lập blog, tôi viết 3 bài mỗi ngày trong gần 1 năm mà không cần sự giúp đỡ của ai cả. 6 tháng sau đó, tôi viết được nhiều hơn lúc tôi làm nhân viên chính thức.

Nhiều nhà lãnh đạo nghĩ rằng họ biết câu trả lời cho mọi câu hỏi nên việc thừa nhận mình cần phải cải thiện bằng cách học điều gì đó mới chính là họ đang khẳng định điểm yếu của mình. Đó chính là "cái tôi" của họ bởi vì suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Thừa nhận bạn cần học hỏi nhiều hơn nữa không phải là một khuyết điểm.

Đừng sợ bị phán xét khi bạn đặt câu hỏi và chấp nhận những cơ hội được học hỏi từ những người khác. Hãy hỏi đồng nghiệp và bạn bè về những ý kiến của họ cho các công việc mà bạn đang làm. Điều này sẽ giúp bạn giữ được sự bình tĩnh ngay cả khi gặp khó khăn và nhắc nhở "cái tôi" rằng bạn vẫn muốn và cần được giúp đỡ.

Học hỏi bằng cách đặt câu hỏi sẽ giúp bạn kiểm soát "cái tôi" hiệu quả.

2. "Cái tôi" khiến bạn bỏ qua các cơ hội

Bạn sẽ nghĩ rằng "cái tôi" sẽ đẩy bạn hướng tới điều "lớn lao nhất và tốt nhất" của mọi thứ trong sự nghiệp. Tuy nhiên, thực tế thì để "cái tôi" lấn át nghĩa là bạn tự mãn và bảo thủ.

"Cái tôi" của tôi thường nói với tôi rằng: "Bạn thật ấn tượng, bạn đã suy nghĩ và hoàn thành mọi thứ cần phải hoàn thành, chấm hết!". Chính vì điều này mà nó khiến tôi không thể theo đuổi sự cải tiến và các cơ hội tuyệt vời mà có thể giúp sự nghiệp kinh doanh của tôi tiến về phía trước và thành công hơn nữa.

Kinh doanh

Hãy lấy Gary Vaynerchuk là một minh chứng. Nếu anh không"ôm" hết tất cả các nền tảng xã hội ngay từ ban đầu, chẳng hạn như video podcast Wine Library TV vào năm 2006 và Twitter vào năm 2007 thì VaynerMedia đã không thể trở thành một "đế chế" như ngày hôm nay. Khi có một cơ hội, đừng ngại ngùng lao vào nó thật nhanh, thử nghiệm tất cả các khả năng và bạn sẽ trở thành người tiên phong cho cái mới đó.

3. "Cái tôi" khiến bạn đánh giá quá cao khả năng của mình

Khi bắt đầu thành lập một công ty giải pháp thanh toán cách đây khoảng 1 năm, tôi đã nghĩ rằng tôi đủ thông minh để tính toán được mọi thứ cần thiết cho việc điều hành hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp. Và sự thật là "cuộc đời dường như cười vào mặt tôi". Trong khi đa phần các chủ kinh doanh như tôi đều mong đợi mình làm chủ được nhiều văn phòng, chi nhánh thì đừng tựa lừa phỉnh bản thân rằng bạn cần có được tất cả chúng.

Tự tin vào bản thân là điều quan trọng nhưng khi kinh doanh đang tăng trưởng, bạn sẽ phải khai phá khả năng của những người giỏi hơn bạn để họ phát huy tốt năng lực của mình. Đừng để "cái tôi" nói với bạn rằng bạn là người thông minh hơn tất cả.

Tôi không sợ phải đọc nhiều cuốn sách và học các kiến thức kế toán căn bản, nhưng tôi hiểu rằng tôi không biết gì về các khoản giảm trừ thuế, mã số và các quy định liên quan đến các doanh nghiệp nhỏ (như công ty của tôi). Tôi bắt đầu vứt bỏ "cái tôi" của mình và thuê những người thực sự hiểu về những gì họ đang làm với sổ sách và kế toán. Rõ ràng, tôi cần nhiều hơn những người như họ.

Bạn không thể làm mọi thứ, thế nên, hãy dừng cố gắng, hãy vứt bỏ "cái tôi". Hãy học đủ để có thể bắt đầu, sau đó, đủ khiêm tốn để nhận ra rằng khi nào thì bạn cần thuê một chuyên gia hỗ trợ.

4. "Cái tôi" khiến bạn trở thành một ông chủ chi li, nhỏ nhặt

"Micromanager" ám chỉ những người theo đuổi sự hoàn mỹ trong tất cả mọi việc, luôn cầu toàn đến từng chi tiết nhỏ và thường ôm đồm công việc của cấp dưới.

Tôi đã từng đối mặt với thói quen này trong nhiều năm trước đây. Tôi muốn kiểm soát mọi thứ và gần như mọi ngóc ngách trong hoạt động kinh doanh của mình, bất kể đó là trả lời email, tiếp xúc khách hàng, tính lương, gặp gỡ đối tác hay các công việc lặt vặt khác. Hiển nhiên, là ông chủ, ai cũng cần nắm rõ tất cả những thứ liên quan đế cơ ngơi mình đã gây dựng nhưng điều này cũng chính là cái "bẫy", là chi phí cơ hội vô cùng lớn mà tôi phải trả giá.

Thành công

Bạn và đội của bạn chưa bao giờ hoàn hảo. Sẽ có những lần mà kỳ vọng của hai bên không hề giống nhau và lúc này, cầu nối đó chính là sự chấp nhận. Tuy nhiên, thay vì thể hiện mình là một nhà lãnh đạo, người phê bình và liên tục quan sát các thành viên trong đội thì bạn lại tạo ra một nền văn hóa khiến cho tất cả mọi người tin rằng bạn không hề có lòng tin vào họ.

Hơn thế nữa, khoa học cũng nhận thấy những người kiểu "micromanager" thường làm việc với hiệu quả rất thấp.

Thế nên, hãy biết lùi lại đúng thời điểm và dành không gian cho nhân viên của bạn tỏa sáng.

5. "Cái tôi" không để cho tôi yêu cầu sự giúp đỡ

Tất cả chúng ta đều biết đến những câu chuyện về các doanh nhân thành công. Tuy nhiên, một khía cạnh mà không được bàn luận đủ nhiều đó chính là những con người góp phần giúp họ có được những thành công đó – đó chính là các cố vấn, cộng sự, chuyên gia, thậm chí là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Steve Jobs có Wozniak, Bill Gates có Allen.

Phil – cố vấn của tôi, đồng thời cũng là một tỷ phú đã giúp tôi nhận rằng chính "cái tôi" đã khiến tôi bị "mù" và không thể hiểu được rằng: Nếu thiếu những con người đó thì các công ty như Apple và Microsoft làm sao có thể phát triển trở thành những "lực lượng khủng khiếp đi đến đâu tàn phá đến đó" như hôm nay được.

Phil chia sẻ thêm rằng ngay cả khi đã sở hữu khối tài sản khổng lồ thì anh cũng luôn có những cố vấn. Tôi nghĩ thật là lạ: một người đàn ông giàu có 76 tuổi đã nghỉ hưu vẫn giữ cho mình một cố vấn, nói gì đến những người thuộc hàng giàu nhất thế giới hiện nay. Hóa ra, việc có người hỗ trợ đã giúp Phil có thể học hỏi được kinh nghiệm của những người khác.

"Có những thứ mà bạn không bao giờ hiểu được cho tới khi bạn trải qua. Tôi chưa một lần nào trong đời mà không có một cố vấn. Họ là những người giúp tôi tự tin hơn khi ra quyết định", Phil nhấn mạnh.

Liệu rằng đó là đối tác, cố vấn, huấn luyện viên hay các thành viên trong đội thì cũng đừng bao giờ để "cái tôi" ngăn bạn không được nhận sự giúp đỡ khi bạn cần.

6. "Cái tôi" khiến tôi trở thành người "trung tâm" của mọi quyết định

Chỉ bởi vì màu sắc yêu thích là màu đỏ không có nghĩa đỏ là màu tốt nhất cho logo của bạn (hoặc cho màu sơn tường của văn phòng). Màu đó có thể không phù hợp với tiếng nói của thương hiệu bởi vì nó quá mạnh, quá kích thích và sặc sỡ đối với một công ty về dịch vụ kế toán.

Tuy nhiên, chỉ bởi vì bạn là ông chủ và đó là sở thích của bạn nên bạn khăng khăng lựa chọn màu sắc này. Trên thực tế, vấn đề không nằm ở màu sắc mà đó chính là tư duy (mindset), là "cái tôi" không cho phép bạn tiếp nhận và cân nhắc ý kiến của những người khác.

Kinh doanh – trọng tâm không phải là bạn. Đó chính là khách hàng – làm thế nào để đáp ứng đúng nhu cầu và nâng cấp chất lượng sản phẩm – dịch vụ. Nếu không chịu lắng nghe thì chẳng bao giờ bạn có thể giữ họ lại được cả.

7. "Cái tôi" ép tôi phải tiến lên chứ không thể lùi lại

"Cái tôi" buộc chúng ta phải làm đúng. Điều này có nghĩa khi tham gia tranh luận, bạn phải thắng; khi đi thi, bạn phải đạt kết quả cao nhất (hoặc chí ít, cũng phải trong top đầu); khi kinh doanh, bạn phải thành công, liên tục kiếm ra tiền, chứ không thể thất bại hay thua lỗ.

Kinh doanh

"Cái tôi" ép bạn phải tiến về phía trước cho tới khi không thể tiến được nữa hoặc thất bại hoàn toàn.

Tất cả những suy nghĩ chẳng bao giờ khiến công ty của bạn mạnh lên được cả.

Bạn của tôi – Zac Johnson luôn nói: "Bởi vì bạn không chấp nhận mình thất bại nên bạn đấu tranh chỉ để đấu tranh mà thôi. Những nhà lãnh đạo thực sự luôn hiểu rõ khi nào thì cuộc chiến sẽ kết thúc".

8. "Cái tôi" khiến tôi đặt ra những mục tiêu không thể đạt được

Cuối cùng, chỉ vì "cái tôi" quá lớn nên chẳng bao giờ tôi hoàn thành được mục tiêu quả. Đó có phải là điều tồi tệ nhất không? Chắc chắn là phải.

Tôi kỳ vọng quá lớn, nghĩ về những điều quá lớn để rồi đến khi không làm được tôi mới thức tỉnh.

Tôi đã lặp lại điều này khoảng 1000x lần. Tôi đặt báo thức lúc 5:30 để dậy sớm đến phòng tập gym không biết bao nhiêu lần nữa và chẳng bao giờ tôi làm được. Trong kinh doanh cũng vậy, tôi đặt mục tiêu doanh thu 1 triệu USD trong tháng đầu tiên và bạn đã biết kết quả rồi đấy.

Là một ông chủ, điều quan trọng là bạn cần đặt ra các mục tiêu khả thi và thực tế, đồng thời phải có kế hoạch theo từng bước để thực hiện. Khi tâm trí của bạn bị bao trùm bởi những "đám mây" của sự mơ hồ, các kỳ vọng không tưởng thì bạn chẳng thể nào đạt được bất cứ điều gì đâu.

Thứ Tư, 13/07/2016 10:36
31 👨 1.485
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc