Sự đổi mới luôn là một lợi thế đã được khẳng định của Google (GOOG). Trong vòng 5 năm, số lượng nhân công của Google đã tăng vọt từ 100 lên tới 4.200. Doanh thu cũng tăng tương ứng từ 19 triệu USD tới hơn 3 tỷ USD. Gói gọn 2 xu thế phát triển này là sự gia tăng của các loại hình dịch vụ “made by Google”, bao gồm cả tìm kiếm trực tuyến và hàng chục các loại hình dịch vụ khác: email, bản đồ, tin nhắn tức thời v.v…
Phát triển nhanh là vậy nhưng một điều đặc biệt là trang chủ của Google vẫn duy trì được vẻ “khiêm tốn” như thời công ty này mới chỉ chiếm được 1% thị phần. Hãy cân nhắc thực tế này: 5 năm trước trang chủ của Google có tổng cộng 50 từ, 11 liên kết và không kèm quảng cáo. Ngày nay, trang chủ Google có… 49 từ, 17 đường link và cũng không kèm quảng cáo.
Không rườm rà.
Trang chủ Yahoo! (YHOO) và MSN Microsoft (MSFT) lại có cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược: tưng bừng các hoạt động và những đường link động (khoảng 140 link). Theo nhận định của các chuyên gia, chính cách tiếp cận không rườm rà của Google đã đóng góp không nhỏ vào việc công cụ tìm kiếm này ngày càng giành được thiện cảm của người sử dụng. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là Google cũng khó có thể phô trương những sản phẩm, dịch vụ mới của mình thông qua website này.
Cách tiếp cận khiêm tốn.
Đây là một vấn đề cần sự lưu tâm đặc biệt. Ví dụ Froogle, trang thương mại điện tử của Google, được khai trương từ tháng 12/2002 như chỉ thực sự được biết đến sau khi “ké” được liên kết trên trang chủ từ giữa năm 2004. Trong khi đã thu hút được số lượng truy nhập “hòm hòm”, Froogle vẫn thiếu tính cạnh tranh so với các website thương mại khác.Theo thống kê của comScore Media Metrix, lượng khách truy nhập Froogle chỉ bằng 1/10 so với website mua bán Yahoo Shopping.
Vấn đề ngày càng nổi cộm khi Google tung ra hai dịch vụ mới nhất: email và tin nhắn tức thời (instant messeging). Mục tiêu của Google đương nhiên là xoá đi mũi nhọn của các đối thủ cạnh tranh; giành giật thị trường đã tồn tại khoảng 7 năm và hiện có hàng chục triệu người sử dụng.
Có đáng để thay đổi?
Ngay cả khi các tính năng dịch vụ của Google vượt xa các đối thủ cạnh tranh (ví dụ dung lượng hòm thư lưu trữ miễn phí), vẫn có những dịch vụ mà người sử dụng không dễ dàng từ bỏ để lựa chọn dịch vụ mới của Google.
Ví dụ, việc thay đổi email được ví như việc thay đổi địa chỉ nhà. Bạn bè và đồng nghiệp cần phải được thông báo. Để thúc đẩy người dùng làm được điều này đương nhiên chỉ những lời hứa hẹn mang tính marketing chắc chắn là không đủ.
Mỗi năm, nhà điều hành Marissa Mayer (phụ trách các sản phẩm web và giao diện) đều tổ chức các cuộc họp với hàng chục cộng tác viên. Một động thái mà Mayer thường yêu cầu cộng sự phải tiến hành là tưởng tượng trang web của Google sẽ ra sao trong 2 năm tới, cách thức sử dụng website…
Đông liệu có vui?
Marissa Mayer |
Trong vài tháng sau đó, Google cũng đã nghiên cứu nhằm áp dụng các trang tuỳ biến cá nhân. Theo đó, người sử dụng có quyền tự chọn và lưu giữ trang Google của riêng mình- bao gồm cả thông tin, dự báo thời tiết địa phương cho tới email gửi tới…. Kể từ khi được chính thức tung ra vào tháng 5 vừa qua, CEO Eric Schmidt khẳng định giao diện tuỳ biến đã được người dùng chấp nhận.
Tuyên bố của Eric Schmidt có vẻ như quá lạc quan. Trong khi Google không công bố số lượng thực tế người sử dụng các sản phẩm cụ thể của Google, vẫn có thể khẳng định rằng có nhiều người không biết tới tính năng tuỳ biến mà Google hỗ trợ. Ngay cả khi tình cờ nhìn thấy những liên kết dành quảng cáo dịch vụ thỉnh thoảng xuất hiện trên trang chủ, chắc hẳn họ sẽ không mấy bận tâm và tiếp tục với mục tiêu tìm kiếm của mình.
Vấn đề đã rõ: dù có lôi kéo được số ít người hoài nghi về các dịch vụ khác, Google sẽ vẫn không có những thay đổi lớn đối với nguyên tắc thiết kế giao diện trang chủ. Mayer, người kế thừa trách nhiệm của nhà sáng lập Google từ năm 1999, sẽ vẫn theo đuổi sự giản đơn.
Con dao Thuỵ Sĩ (được rao bán trên website I4U.com, tích hợp rất nhiều tính năng- người dịch). Mayer coi một website không nên quá rườm rà như một con dao Thuỵ Sĩ. “Nếu bạn cố nắm lấy nó (con dao) với tất cả các tính năng được bật, bạn sẽ bị thương”, Mayer lập luận, “Chúng tôi cố găng chèn các tính năng trong một bối cảnh chung, sao cho có lợi nhất cho người dùng”.
Quá trình theo đuổi sự giản đơn còn được tiến hành không chỉ ở trên trang chủ. Mayer thường xuyên rèn luyện các chuyên viên thiết kế của mình thông qua các “bài tập”, ví dụ các trang web trả kết quả tìm kiếm không phải kéo thanh cuộn (scroll) v.v…Để đạt được điều này, danh sách kết quả phải bị rút ngắn từ 10 xuống còn khoảng 5 link. Ngoài ra, người thiết kế còn phải biết loại bỏ tất cả những “phụ kiện” vặt vãnh.
Thách thức trước mặt
Những “bài tập” kiểu này sẽ không được Google áp dụng trên thực tế trong tương lai trước mắt. Tuy nhiên theo Mayer, sự rèn luyện này tạo điều kiện để những người tham gia thiết kế có thể tiếp cận những hướng đi mới để sàng lọc ra “điều gì là mấu chốt”.
Tất cả những nỗ lực trên báo hiệu điềm lành cho người tìm kiếm yêu “giao diện sạch”. Bù lại, nhóm sản phẩm của Google sẽ phải trả giá khi muốn quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Đơn giản đối với bộ phận này lại sự phức tạp, thách thức với bộ phận khác. Đây cũng là một trong những mâu thuẫn lớn phát sinh trong quá trình tiến hoá và phát triển của Google.