Trong thế giới kinh doanh ngày nay, việc sử dụng dữ liệu ngày càng gia tăng mạnh mẽ nên nhu cầu quản lý dữ liệu cũng tăng lên đáng kể. Các cơ sở dữ liệu đã phát triển để trở thành một phần không thể thiếu của mọi doanh nghiệp bất kể ở quy mô hay cấu trúc nào.
Nhưng dữ liệu là thứ mà bạn không thể sử dụng được nếu như bạn không tiến hành phân tích. Với mục đích này, các công ty buộc phải sử dụng RDBMS (Hệ quản trị cơ sở dữ liệu). RDBMS giúp các công ty và quản trị viên cơ sở dữ liệu phát triển các mối quan hệ giữa các bộ dữ liệu riêng biệt bằng các công cụ quản lý.
Trong bài viết này, Quản Trị Mạng sẽ cùng các bạn xem xét hai công cụ quản lý hiệu quả và cực kỳ phổ biến là SQL và MySQL để xem chúng khác nhau như thế nào. Nhưng trước khi đi sâu vào sự khác biệt giữa SQL và MySQL, điều quan trọng là bạn phải hiểu chúng một cách riêng lẻ cái đã.
SQL là gì?
SQL là viết tắt của Structured Query Language - Ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc. Theo hướng dẫn của ANSI (Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ), SQL là ngôn ngữ tiêu chuẩn để duy trì và quản lý cơ sở dữ liệu. Do đó, bên cạnh một vài thay đổi nhỏ về cú pháp, hầu hết các truy vấn của cơ sở dữ liệu để truy xuất, thêm hoặc thao tác dữ liệu đều dựa trên cú pháp SQL tiêu chuẩn.
SQL được phát triển đầu tiên tại IBM. Với SQL, bạn có thể dễ dàng truy vấn cơ sở dữ liệu để thêm, thay đổi, cập nhật hoặc xóa dữ liệu bằng ngôn ngữ đơn giản giống như tiếng Anh. Bạn có thể dùng SQL để quản lý nhiều hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ, chẳng hạn như MySQL, SQL Server, Oracle và MS Access. Bằng cách viết mã truy vấn bằng SQL, bạn có thể tạo và sửa đổi bất kỳ cơ sở dữ liệu nào cùng với việc tạo các lược đồ.
MySQL là gì?
MySQL là một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ được phát triển và phát hành vào năm 1995. Nó được phát triển và tài trợ bởi MySQL AB, sau đó được mua lại bởi Sun Microsystems và tiếp theo Sun Microsystems lại bị mua lại bởi Oracle Corporation. MySQL là sự kết hợp của "My" (tên cô con gái của đồng sáng lập) và "SQL".
MySQL là một trong những RDBMS nguồn mở sớm nhất từng được phát triển và khởi chạy. Hiện tại, có rất nhiều biến thể của MySQL. Tuy nhiên, cú pháp cơ bản của các biến thể vẫn giống nhau. MySQL được thiết kế và viết bằng ngôn ngữ lập trình C++ nên tương thích với tất cả các hệ điều hành. Nó là thành phần cốt lõi của ngăn xếp phần mềm ứng dụng web nguồn mở phổ biến có tên là LAMP, viết tắt của Linux, Apache, MySQL, PHP/Perl/Python.
Sự khác biệt giữa SQL và MySQL là gì?
Bây giờ, sau khi đã hiểu các khái niệm tổng quan và cơ bản, chúng ta hãy cùng xem xét sự khác biệt cốt lõi giữa SQL và MySQL.
SQL | MySQL |
SQL là ngôn ngữ lập trình truy vấn quản lý RDBMS. | MySQL là một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ sử dụng SQL. |
SQL chủ yếu được sử dụng để truy vấn và vận hành các hệ thống cơ sở dữ liệu. | MySQL cho phép bạn xử lý, lưu trữ, sửa đổi và xóa dữ liệu và lưu trữ dữ liệu một cách có tổ chức. |
SQL không hỗ trợ bất kỳ trình kết nối nào. | MySQL đi kèm một công cụ tích hợp gọi là MySQL Workbench tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo, thiết kế và xây dựng cơ sở dữ liệu. |
SQL tuân theo một định dạng tiêu chuẩn đơn giản mà không cần cập nhật nhiều hoặc thường xuyên. | MySQL có nhiều biến thể và được cập nhật thường xuyên. |
SQL chỉ hỗ trợ một công cụ lưu trữ duy nhất. | MySQL cung cấp hỗ trợ cho nhiều công cụ lưu trữ cùng với bộ nhớ plug-in, làm cho nó linh hoạt hơn. |
SQL không cho phép các bộ vi xử lý khác hoặc thậm chí các chương trình nhị phân của chính nó thao tác dữ liệu trong khi thực thi. | MySQL kém an toàn hơn so với SQL vì nó cho phép bộ xử lý bên thứ ba thao tác các tệp dữ liệu trong quá trình thực thi. |
Kết luận
Trong bài viết này, bạn đã tìm hiểu về những khác biệt chính giữa SQL và MySQL. Mặc dù có nhiều điểm khác biệt nhưng không có bên nào thực sự nổi trội hơn. Cả hai đều có những ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể sử dụng cả hai cùng nhau để tận dụng tốt ưu điểm của chúng.
Quyết định cuối cùng chọn cái này hay cái kia phụ thuộc nhiều vào yêu cầu cụ thể của bạn. Do đó, bạn không nên tìm hiểu sự khác biệt giữa SQL và MySQL với mục đích chọn cái nào tốt hơn. Thay vào đó, bạn nên biết sự khác biệt để làm quen với cú pháp cơ bản và cách sử dụng cả hai công cụ quản lý dữ liệu này một cách hiệu quả.
Quản Trị Mạng hy vọng rằng bài viết này sẽ có ích đối với bạn.