Nguyên nhân và cách khắc phục ổ cứng ngoài chậm trên Windows 10

Khi cắm ổ cứng ngoài vào máy tính và nhận thấy nó chậm hơn so với trước đây? Nếu bạn sử dụng ổ cứng này thường xuyên, thì ổ cứng bị chậm là điều bình thường vì nó có thể đã cũ hoặc cần chống phân mảnh. Nhưng nếu chỉ thỉnh thoảng sử dụng ổ cứng ngoài và thấy có vấn đề về tốc độ, thì có thể một nguyên nhân nào khác đã khiến ổ cứng bị chậm. Liệu máy tính của bạn có bị nhiễm virus hoặc một thiết lập nào đó trong Windows 10 khiến mọi thứ bị chậm hoặc có thể chỉ là vấn đề đơn giản như cáp hỏng. Bài viết này sẽ tìm ra nguyên nhân và đưa ra cách khắc phục ổ cứng ngoài bị chậm trên Windows 10.

Nếu hiệu suất ổ cứng ngoài bị giảm, bạn có thể thực hiện vài bước sau để chẩn đoán và khắc phục sự cố.

Phần còn lại của bài viết này sẽ chỉ cho bạn nguyên nhân và cách khắc phục, tuy nhiên nếu những cách dưới đây không thể khắc phục được vấn đề thì bạn nên xem xét mua một ổ cứng ngoài mới.

Bạn nên thực hiện thay ổ cứng càng sớm càng tốt, vì để lâu quá bạn có thể không lấy được dữ liệu trên đó.

1. Chống phân mảnh ổ cứng

Chống phân mảnh ổ cứng

Bất cứ khi nào gặp vấn đề về ổ cứng, một trong những điều đầu tiên bạn nên làm là chống phân mảnh ổ cứng. Windows 10 có công cụ Defragment and Optimize Drives, bạn có thể mở bằng cách gõ "defragment" hoặc "optimize" vào Start Menu.

Nó sẽ hiện ra danh sách ổ cứng, chọn một và nhấn Analyze. Chờ đợi trong khi nó hoàn tất quá trình phân tích, cột "Current status" sẽ cho bạn biết cần phải chống phân mảnh hay không. Nếu có, đảm bảo ổ đĩa vẫn được chọn, sau đó click vào Optimize và chờ.

Lưu ý, hướng dẫn này chỉ dành cho ổ cứng truyền thống mà không phải cho ổ SSD. Trên các phiên bản Windows cũ hơn, các ổ SSD không được sử dụng với các công cụ chống phân mảnh chuẩn. Vì các ổ SSD dựa trên flash, các công cụ chống phân mảnh cũ có thể sẽ làm hỏng dữ liệu của bạn. Tuy nhiên, trên Windows 10 không xảy ra vấn đề này, công cụ Defragment and Optimize Drives quản lý tối ưu hóa ổ SSD cũng như ổ HDD.

2. Chạy Check Disk

Chạy Check Disk

Sau khi hoàn tất chống phân mảnh, nhưng bạn vẫn thấy ổ đĩa chậm, hãy sử dụng công cụ Check Disk. Đây là một công cụ có từ các phiên bản Windows đầu tiên. Nó có khả năng phát hiện (và đôi khi sửa chữa) các vấn đề với một ổ đĩa cứng như hỏng sector có thể dẫn đến dữ liệu bị hỏng.

Có hai cách để chạy Check Disk:

  1. Nhấp chuột phải vào ký tự ổ đĩa trong Windows Explorer, và chọn Properties > Tools và tìm "Error checking". Ở đây, click vào Check và làm theo hướng dẫn.
  2. Sử dụng Windows PowerShell (Admin), truy cập nó bằng cách nhấn chuột phải vào nút Start.

Sau khi chạy, nhập:

chkdsk.exe /f [KÝ TỰ Ổ ĐĨA]

Đảm bảo nhập ký tự ổ đĩa của ổ cứng (hoặc phân vùng) đang có vấn đề. Check Disk thường yêu cầu người dùng khởi động lại Windows, do đó đảm bảo đóng tất cả các ứng dụng trước khi khởi động lại.

3. Kiểm tra ổ đĩa với các hư hỏng vật lý

Có một nguyên nhân nữa khiến ổ cứng bị chậm là ổ cứng bị hư hỏng. Bạn có thể kiểm tra bằng cách quan sát cẩn thận ổ đĩa, đặc biệt chú ý đến những điều sau:

  • Đèn LED có nhấp nháy hay không?
  • Máy tính có bị treo khi duyệt vào ổ đĩa?
  • Không thực hiện được Check Disk?
  • Đĩa kêu khi quay?

Mặc dù được bảo vệ trong hộp, ổ cứng vẫn có thể bị hư hỏng. Không chỉ có ổ đĩa bị hư hỏng mà còn ảnh hưởng đến đầu đọc nếu bị rơi nhẹ. Ngay cả việc vặn ổ đĩa cứng vào hộp (hoặc thậm chí vào máy tính hoặc máy tính xách tay) quá chặt có thể gây ra vấn đề.

Nếu thấy hiệu suất chậm trên ổ HDD hỏng, bạn nên thay thế ổ mới càng sớm càng tốt. Để tránh trường hợp này xảy ra, bạn nên mua một ổ cứng di động bền hơn.

4. Kiểm tra cáp

Một vấn đề khác có thể gây ra ổ cứng phản hồi chậm là dây cáp bị hư. Với ổ cứng ngoài bị ngắt kết nối khỏi máy tính và tường, hãy dành thời gian để kiểm tra cáp USB và dây nguồn. Bất kỳ vết nứt nào trong lớp cách điện bằng cao su thường dẫn đến dây cáp bị hỏng bên trong. Cáp có đầu nối bị hỏng hoặc vỡ thì nên bỏ ngay lập tức.

Thay thế cáp USB không hề tốn kém, chỉ cần chắc chắn rằng bạn mua đúng loại cho ổ cứng ngoài; các thiết bị hiện đại hầu như sử dụng USB 3.0, trong khi các thiết bị cũ hơn là USB 2.0.

Một điều cần lưu ý là bạn nên kiểm tra xem ổ HDD ngoài có làm việc khi kết nối với cổng khác không. Đôi khi một cổng sẽ hoạt động tốt hơn cổng khác. Ngoài ra, có thể bạn đang sử dụng thiết bị USB 3.0 trên cổng USB 2.0, đây là lý do khiến nó không hoạt động, do vậy chuyển sang một cổng tương thích và thử lại.

5. Quá nhiều hoạt động trên đĩa

Quá nhiều hoạt động trên ổ đĩa

Nếu đang sử dụng đĩa bên ngoài để sao chép số lượng lớn dữ liệu vào hoặc từ máy tính, điều này cũng có thể dẫn đến hiệu suất giảm. Ví dụ, bạn có thể sao chép các file video lớn từ máy tính vào ổ đĩa hoặc sử dụng nó như là một ổ đĩa đích cho các file torrent. Lượng công việc này có thể khiến ổ cứng HDD ngoài (hoặc ổ cứng trong) chậm.

Để biết có phải do sao chép dữ liệu lớn làm ổ cứng ngoài chậm, khởi chạy Task Manager (Ctrl + Shift + Esc hoặc đơn giản chỉ cần nhấp chuột phải vào thanh Taskbar và chọn Task Manager), sau đó click vào tiêu đề cột Disk để tìm những ứng dụng đang sử dụng ổ đĩa.

Nếu câu trả lời là Windows Explorer, thì vấn đề là sao chép dữ liệu. Nhưng bạn có thể sử dụng ứng dụng torrent, công cụ chỉnh sửa hình ảnh hoặc video hoặc thậm chí chạy một trò chơi video từ ổ USB 3.0, click vào nó và chọn End task để dừng ứng dụng.

6. Chạy phần mềm diệt virus và phần mềm độc hại

Sẽ không bao giờ là đủ khi thường xuyên chạy công cụ diệt virus trên máy tính. Kể cả trong trường hợp không chạy thường xuyên (vì nó không lý tưởng trên hệ thống có thông số kỹ thuật thấp), bạn nên có một công cụ để quét ad-hoc. Hãy kiểm tra danh sách 10 phần mềm diệt virus hiệu quả nhất cho Windows 2017.

Một script lừa đảo có thể truy cập vào ổ đĩa cứng và làm chậm nó. Điều này còn tồi tệ hơn khi script (thường là phần mềm độc hại) có thể đã tồn tại trên ổ cứng gắn ngoài của bạn, và tốc độ chậm lại không chỉ từ ổ đĩa, mà còn do máy tính cá nhân hoặc máy tính xách tay.

Để quét ổ cứng, tìm nó trong Windows Explorer và click chuột phải. Công cụ diệt virus hoặc phần mềm độc hại được liệt kê trong trình đơn ngữ cảnh cùng với tùy chọn để quét đĩa. Nếu không, bạn sẽ cần phải mở công cụ và chọn ổ đĩa cần quét.

Lưu ý, có thể bạn không thực hiện được nếu Windows chạy ở chế độ bình thường, cần phải chạy ở chế độ Safe Mode.

7. Vô hiệu hoá Windows 10 Indexing

Vô hiệu hóa Windows Indexing

Phương pháp cuối cùng là vô hiệu hóa dịch vụ lập chỉ mục của Windows 10. Khi kết nối ổ cứng với máy tính, Windows sẽ hiển thị nội dung của nó trong Explorer bởi vì nó đang bận lập chỉ mục cho chúng. Vô hiệu hoá việc lập chỉ mục sẽ dừng thao tác này và tăng tốc độ. Hạn chế là Windows tìm kiếm sẽ bị giới hạn trong các tập tin được lưu trữ trên đĩa.

Để vô hiệu hoá lập chỉ mục, bấm Windows + R, sau đó nhập services.msc, click vào OK và chờ trong khi cửa sổ Services mở ra, sau đó cuộn xuống Windows Search. Click chuột phải và chọn Properties, sau đó chọn Stop. Quá trình này có thể mất một lúc để hoàn tất, sau đó hãy nhấp vào trình đơn thả xuống Startup type: và chọn Disabled.

Ngắt kết nối và sau đó kết nối lại ổ cứng ngoài, mở nó trong Windows Explorer. Bây giờ bạn sẽ thấy ổ cứng ngoài tải nhanh chóng, như thể nó là một ổ cứng trong.

Làm theo các cách này từ đầu đến cuối sẽ giúp giải quyết các sự cố ổ cứng ngoài. Đối với các ổ đĩa mới hơn, vô hiệu hóa tính năng lập chỉ mục của Windows 10 thường là giải pháp hiệu quả nhất.

Xem thêm:

Thứ Năm, 01/03/2018 15:14
51 👨 29.192
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Windows 10