Near-me Area Network (NAN) là mạng logic tập trung vào giao tiếp giữa các thiết bị không dây, như điện thoại thông minh và trợ lý kỹ thuật số cá nhân, v.v... trong một khu vực gần.
Mạng Near-me Area Network (NAN) là gì?
Mạng NAN được xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng mạng vật lý hiện có. Nói một cách đơn giản, trong mạng cục bộ (LAN), tất cả các thiết bị được kết nối nằm trong cùng một nhánh mạng (network segment), nhưng trong trường hợp mạng NAN, các thiết bị được kết nối có thể đang sử dụng những cơ sở hạ tầng mạng khác nhau.
Ví dụ, hãy xem xét trường hợp hai người dùng điện thoại thông minh ở gần nhau về mặt địa lý, nhưng lại sử dụng các dịch vụ mạng từ những nhà cung cấp dịch vụ di động khác nhau. Với sự phát triển của công nghệ cùng với việc bổ sung Internet di động và hệ thống định vị toàn cầu (GPS), mạng Near-me Area Network có thể phát huy vai trò của mình. Nó tập trung vào quá trình giao tiếp hai chiều giữa những người dùng.
Ngay cả khi các điện thoại thông minh khác nhau sử dụng kết nối Internet từ những nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) hoặc nhà cung cấp dịch vụ di động khác nhau, NAN vẫn hoạt động tốt với vai trò một mạng liên lạc dựa trên vị trí. Mạng Near-me Area Network (NAN) cũng giống như mạng cục bộ không dây (WLAN) nhưng của các thiết bị từ cơ sở hạ tầng mạng khác nhau.
Các loại mạng Near-me Area Network (NAN)
Có 2 loại mạng NAN:
1. Mạng NAN khép kín
Được hình thành giữa các thiết bị di động sử dụng cùng một mạng của nhà cung cấp dịch vụ, mạng này hoạt động mà không cần hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Nhưng nhà cung cấp dịch vụ sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu vị trí cho mục đích này, nơi họ có thể cung cấp vị trí bằng cách giám sát các tín hiệu từ tháp di động và điện thoại di động.
2. Mạng NAN toàn cầu
Mạng này được hình thành giữa các thiết bị có hệ thống GPS và kết nối Internet. Vị trí được theo dõi bởi hệ thống định vị toàn cầu và được cập nhật lên một máy chủ trung tâm trên Internet.
Hình dưới đây minh họa kiến trúc của mạng NAN:
Những ứng dụng của mạng NAN
1. Các thiết bị của Apple hỗ trợ ứng dụng Handshake cho phép chia sẻ thông tin liên hệ với những người ở gần nhau mà không cần nhập thủ công.
2. Eagle Fire là một trong những ứng dụng NAN. Yahoo sử dụng nó để biết vị trí của người dùng và việc theo dõi này có thể được sử dụng bởi bất kỳ ứng dụng nào.
3. WhosHere là một ứng dụng NAN giúp tìm kiếm những người cùng sở thích, mang tới một cách giao tiếp khác biệt giữa những người cùng chí hướng.
4. Loopt cho phép người dùng tìm thấy bạn bè của mình ở bất kỳ vị trí nào. Ví dụ, bạn đang ở một địa điểm mới và Loopt sẽ giúp tìm xem có ai trong số bạn bè của bạn ở địa điểm đó không.
5. Một ví dụ về hệ thống NAN khác là WhozThat, cho phép người dùng tìm thông tin về những người xung quanh mình.
Những thách thức của ứng dụng NAN
- Phải xác định chính xác một địa điểm và một vị trí trong địa điểm đó.
- Tính khả dụng của các thiết bị di động hỗ trợ NAN cần phải mở rộng hơn.
Ưu điểm và nhược điểm của NAN
Các ưu điểm chính của NAN bao gồm khả năng giao tiếp dễ dàng, nhanh chóng nhất giữa các vùng lân cận, bằng cách cung cấp giao tiếp hai chiều.
Những nhược điểm chính của NAN bao gồm tính sẵn có của NAN và việc triển khai hệ thống định vị toàn cầu ở mọi nơi có thể không hoạt động hoàn hảo.