Chắc chắn, bạn có thể tải xuống một hệ điều hành dựa trên GNU và upload nó lên máy tính của bạn mà không phải trả một xu nào. Nhưng nếu bạn muốn mua một PC đã được cài đặt sẵn desktop nguồn mở và miễn phí, thì bạn phải trả một số tiền nào đó, và con số bạn phải chi trả có thể khá lớn.
Tại sao lại như vậy? Hãy cùng Quantrimang.com xem xét 6 lý do khiến phần cứng Linux được cài đặt sẵn có giá không hề rẻ.
Điện thoại và máy tính xách tay Linux rất đắt tiền - Tại sao vậy?
- 1. Máy tính để bàn và điện thoại Linux mang tính đặc thù
- 2. Tính kinh tế xét về quy mô sản xuất
- 3. Các nhà sản xuất máy tính Linux thường chỉ bán máy tính
- 4. Chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển không hề rẻ
- 5. Tùy chỉnh phần cứng cần nhiều nỗ lực
- 6. Các bản phân phối Linux không có tiền để trợ giúp
- Mọi thứ đang bắt đầu thay đổi
1. Máy tính để bàn và điện thoại Linux mang tính đặc thù
Linux là hệ điều hành thống trị trên các máy chủ. Nó đang lan truyền nhanh chóng giữa các phần cứng và thiết bị Internet of Things.
Linux không phổ biến lắm trên máy tính để bàn. Điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn mua một máy tính được cài đặt sẵn Linux, bạn sẽ là một trong số ít người làm điều đó.
Một số lượng người dùng nhỏ hơn thậm chí còn có mong muốn sở hữu một điện thoại Linux chạy phần mềm GNU (trái ngược với điện thoại Android chạy trên Linux kernel và hầu như không có điểm gì chung với Linux desktop). Đó là lý do tại sao nỗ lực làm những chiếc điện thoại như vậy có sẵn trên thị trường vẫn chưa thành công.
2. Tính kinh tế xét về quy mô sản xuất
Các nhà sản xuất bộ xử lý, ổ lưu trữ, card đồ họa và nhiều thành phần PC khác thích tạo ra sản phẩm khối lượng lớn. Nếu ai đó lắp ráp máy tính xách tay đặt hàng hàng triệu linh kiện, họ sẽ được giảm giá. Nếu đặt hàng một số lượng nhỏ, họ sẽ phải trả thêm tiền.
Các nhà phân phối Linux PC có xu hướng là những công ty nhỏ với một số ít nhân viên. Họ tạo ra doanh số tương đối nhỏ so với các tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung hay Dell. Và không giống như Samsung, họ không sản xuất các linh kiện của riêng mình, như ổ cứng và màn hình LCD.
Các nhà sản xuất điện thoại Linux phải đối mặt với một cuộc đấu tranh thậm chí còn khó khăn hơn. Bạn không thể hy vọng sẽ bán được hàng triệu sản phẩm khi người tiêu dùng không có nhu cầu. Ngay cả những người dùng máy tính để bàn Linux cũng không biết những gì một chiếc điện thoại loại này có thể cung cấp. Phương pháp Crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) cung cấp cho các công ty cách để giải quyết sự không chắc chắn này.
3. Các nhà sản xuất máy tính Linux thường chỉ bán máy tính
Các tập đoàn đa quốc gia như Samsung có trong tay nhiều loại sản phẩm. Ngoài PC và các bộ phận cho PC, Samsung còn bán điện thoại, sản phẩm nhà thông minh, TV, máy giặt và rất nhiều thứ khác nữa. Chính vì vậy, Samsung có thể dùng lợi nhuận từ các sản phẩm bán chạy để bù vào những phần không mang lại doanh thu cao.
Ngược lại, System76 chỉ bán máy tính xách tay, máy tính để bàn và máy chủ. Họ phải định giá sản phẩm của mình sao cho có thể duy trì hoạt động kinh doanh.
Nếu sự chênh lệch giữa số tiền phải chi để sản xuất các bộ phận cũng như nhân công và số tiền có thể bán một sản phẩm quá thấp, thì công ty khó có thể duy trì hoạt động.
4. Chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển không hề rẻ
Các công ty muốn bán máy tính chạy Linux thường phải đầu tư thời gian và tiền bạc để biến điều đó thành hiện thực.
System76 đã tạo ra bản phân phối Linux của riêng mình được gọi là Pop! _OS. Điều này mang lại cho công ty khả năng thành công cao hơn khi hứa hẹn với khách hàng một loại trải nghiệm nhất định và khắc phục mọi vấn đề có thể phát sinh.
Tiếp theo đó, Purism đã đưa mọi thứ tiến thêm một bước, bằng cách cố gắng làm cho phần cứng hiện đại mà không cần bất kỳ firmware độc quyền hoặc mã nguồn đóng nào khác có sẵn trên thị trường. Để thực hiện điều đó, công ty đầu tư phát triển những lựa chọn thay thế và kỹ thuật reverse engineering.
Purism đã mở rộng tầm nhìn này sang Librem 5, chiếc điện thoại đã được đầu tư khá nhiều công sức trong việc tạo các ứng dụng cần thiết và điều chỉnh môi trường desktop GNOME thành màn hình 5 inch, như bạn có thể thấy trong các báo cáo tiến độ hàng tháng của Purism (tham khảo tại: https://puri.sm/posts/librem-5-august-update/).
Công việc mà Purism đang thực hiện mang lại lợi ích cho cộng đồng mã nguồn mở nói chung, nhưng điều đó không có nghĩa là các quỹ dành cho việc nghiên cứu, phát triển cũng sẽ “đầy” trở lại. Vì vậy, giá điện thoại cao hơn đáng kể so với giá của các bộ phận bên trong.
5. Tùy chỉnh phần cứng cần nhiều nỗ lực
Một số công ty mua lại các máy cũ và tân trang lại chúng bằng Linux. Đây có thể là một công việc khó khăn, đặc biệt là nếu bạn đang cố gắng loại bỏ BIOS độc quyền.
Những công ty khác tạo ra phần cứng mới nhưng sẽ cài đặt một bản phân phối mà bạn chọn. Đây là cách tiếp cận mà ZaReason thực hiện. Khi bạn đặt hàng, tất cả những gì bạn phải làm là chọn một bản phân phối Linux từ menu drop-down. Cuối cùng, chuyên viên nào đó sẽ chịu trách nhiệm tải xuống hệ điều hành và quản lý cài đặt cho bạn.
Cài đặt Linux không phải là công việc khó khăn, nhưng bạn cần những người có chuyên môn nhất định và phải tính đến thời gian cần thiết để cấu hình cho mỗi đơn hàng. Bạn không thể chờ đợi những thứ có sẵn trên kệ và chỉ chờ được gửi đi.
6. Các bản phân phối Linux không có tiền để trợ giúp
Microsoft muốn mọi người sử dụng Windows. Công ty này đã “ném” nhiều tiền vào quảng cáo, thuyết phục mọi người mua một bản sao của hệ điều hành hoặc, nhiều khả năng, là một PC đi kèm với Windows được cài đặt sẵn. Các nhà sản xuất PC như Dell và HP cạnh tranh với nhau, nhưng họ không phải nỗ lực thuyết phục mọi người sử dụng Windows.
Người bán phần cứng Linux không được như vậy. Ngay cả khi System76 chỉ bán PC Ubuntu, Canonical cũng không có tiền tiếp thị để thúc đẩy mọi người mua những máy đó (hoặc máy chạy Ubuntu từ Dell). Việc muốn kiếm tiền bằng cách tạo ra máy tính để bàn chạy hệ điều hành mã nguồn mở có thể là một thách thức không nhỏ.
Hầu hết các dự án chỉ đơn giản là không có tiền đầu tư. Các công ty sản xuất phần mềm mã nguồn mở lớn có xu hướng chi nhiều tiền quảng cáo để thu hút khách hàng doanh nghiệp. Khi các công ty quyết định bán phần cứng Linux cho mục đích sử dụng máy tính để bàn hàng ngày, họ sẽ phải tự bước đi một mình.
Mọi thứ đang bắt đầu thay đổi
Những phần cứng rẻ hơn sử dụng Linux đang bắt đầu xuất hiện, phần lớn là do sự gia tăng của các máy tính đơn bo. Raspberry Pi, bắt đầu với giá từ khoảng $35 (805.000VND), đã đưa Linux đến với nhiều người không có mong muốn từ bỏ Windows hoặc macOS.
Với việc phát hành Raspberry Pi 4, việc xem xét sử dụng Pi làm máy tính chính có thể khả thi hơn. Raspberry Pi Foundation thậm chí còn có một máy tính bảng hỗ trợ Pi.
Pine64 đã đưa một phần cứng tương tự vào vỏ máy tính xách tay và phát hành một sản phẩm có tên là Pinebook với giá bán chỉ $100 (2.300.000VND).
Một phiên bản tiếp theo mạnh mẽ hơn, Pinebook Pro, cũng chỉ có giá khoảng $200 (4.600.000VND). Công ty thậm chí đang cố gắng đưa một chiếc điện thoại chạy Linux ra thị trường với giá bằng 1/3 Librem 5. Không giống như Purism, Pine64 không xóa firmware độc quyền và để các nhóm khác xử lý phần mềm. Pine64 cũng có một máy tính bảng, hy vọng sẽ bán được với giá khởi điểm chưa đến $100 (2.300.000VND).
Làm thế nào Pine64 làm được điều này? Công ty mẹ Pine Microsystems đã thiết lập từng dự án với chi phí chung tối thiểu. Các lựa chọn thay thế Intel NUC như System76 Meerkat và ZaReason Zini cung cấp máy tính để bàn đầy đủ chức năng với giá khoảng $500 (11.500.000VND). Điều đó có nghĩa là bạn có thể giới thiệu Linux cho một người bạn hoặc thành viên gia đình không biết nhiều về kỹ thuật và không khiến họ phải chi trả một số tiền quá lớn.
Tuy nhiên, bất kể các thiết bị này có giá rẻ như thế nào, tùy chọn hợp lý nhất là cài đặt Linux trên PC bạn đã sở hữu.
Chúc bạn thành công!