Brave là trình duyệt web miễn phí và mã nguồn mở cho phép bạn duyệt dark web mà không cần sử dụng Tor Browser. Nghe có vẻ như Brave là một lựa chọn tiện dụng để truy cập dark web, nhưng đây không phải là giải pháp thay thế tốt cho các phương pháp chính thức đã được thử nghiệm và kiểm tra.
3. Brave không được xây dựng để ẩn danh
Phiên bản desktop của Brave cung cấp một cách để duyệt dark web thông qua cài đặt "Private Window with Tor". Tính năng này mở một cửa sổ mới trong trình duyệt cho phép bạn truy cập dark web thông qua proxy chạy qua mạng Tor.
Brave là trình duyệt web hướng đến quyền riêng tư. Tuy nhiên, Tor Browser được thiết kế để duyệt dark web ẩn danh.
Quyền riêng tư và ẩn danh là hai thuật ngữ thường bị nhầm lẫn, nhưng thực chất chúng khác nhau. Về cơ bản, Tor che giấu danh tính của bạn bằng cách xóa thông tin "dấu vân tay" (fingerprinting) kỹ thuật số, mã hóa dữ liệu và gửi lưu lượng truy cập Internet ẩn danh của bạn qua nhiều relay trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Brave không xóa thông tin nhận dạng theo mặc định. Vì vậy, duyệt dark web thông qua proxy Tor trong Brave khiến bạn dễ bị chú ý hơn là chỉ sử dụng Tor Browser.
Mặc dù Brave rất tuyệt vời đối với hầu hết những người đam mê quyền riêng tư, nhưng nó không thực hiện tốt nhiệm vụ giữ cho bạn hoàn toàn ẩn danh so với Tor Browser.
2. Chức năng Tor hạn chế
Brave chủ yếu được thiết kế để duyệt clearnet - phần Internet công khai, thông thường được các công cụ tìm kiếm lập chỉ mục. Chế độ Tor của nó, được giới thiệu sau này như một tính năng phụ, không phải là trọng tâm cốt lõi. Trước đây, trình duyệt đã gặp sự cố khi lịch sử duyệt dark web của người dùng bị ISP phát hiện. Mặc dù sự cố đó đã được khắc phục từ lâu, nhưng bạn nên sử dụng Tor Browser chính thức để có mức độ bảo mật và quyền riêng tư tối đa.
Tính năng bảo vệ fingerprinting của Brave không hiệu quả bằng Tor Browser. Bài viết đã thử nghiệm tính năng này bằng CreepJS, một công cụ mã nguồn mở để kiểm tra mức độ nhận dạng thiết bị của bạn khi trực tuyến. Với Tor Browser, công cụ này có thể xác định trình duyệt và ước tính hệ điều hành nhưng không tiết lộ nhiều thông tin khác. Tuy nhiên, khi sử dụng Private window with Tor của Brave, CreepJS đã phát hiện ra nhiều chi tiết hơn, bao gồm múi giờ, hệ điều hành chính xác, GPU và độ phân giải màn hình.
Mặc dù thông tin này có vẻ không quá nhạy cảm, nhưng kẻ xấu có thể kết hợp thông tin này để theo dõi bạn trên các trang web, giống như cách thức hoạt động của cookie. Tor làm giảm rủi ro này bằng cách chuẩn hóa chuỗi user agent, kích thước màn hình và phông chữ cho tất cả người dùng. Sẽ khó phát hiện ra cá nhân hơn nhiều khi mọi người đều xuất hiện giống hệt nhau.
Nhìn chung, không nên sử dụng một trình duyệt duy nhất như Brave cho cả hoạt động clearnet và darknet. Cửa sổ duyệt thông thường của Brave và cửa sổ Tor trông thực sự giống hệt nhau. Có thể xảy ra lỗi và bạn có nguy cơ để lộ dữ liệu nhạy cảm cho kẻ xấu.
1. Brave khuyên dùng Tor Browser để ẩn danh hoàn toàn
Có lẽ lý do chính để sử dụng Tor Browser thay vì Brave là vì chính công ty Brave khuyên dùng Tor Browser cho những người dùng "có sự an toàn cá nhân phụ thuộc vào việc duy trì tính ẩn danh". Vì Brave không bao gồm tất cả các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của Tor Browser nên rất khó để đảm bảo trình duyệt có cùng mức độ ẩn danh.
Trong đó, nếu bạn cần duyệt dark web một cách an toàn và ẩn danh, Tor Browser được khuyến nghị. Nó tập trung vào việc bảo vệ danh tính và hoạt động Internet của bạn (trong dark web) được che giấu hoàn toàn. Nó cũng đa nền tảng, dễ cài đặt và khá dễ sử dụng.
Brave vẫn là một lựa chọn thay thế nếu bạn không ngại bị lộ một chút khi duyệt dark web, ví dụ, nếu bạn chỉ đang kiểm tra thứ gì đó hoặc nghiên cứu một trang dark web. Tuy nhiên, đối với bất kỳ thứ gì đòi hỏi nhiều quyền riêng tư, Tor Browser là lựa chọn tốt hơn. Để được bảo vệ nhiều hơn, hãy cân nhắc bật "Block fingerprinting" trong Settings > Shields, cài đặt add-on NoScript và sử dụng một trình duyệt khác để truy cập clearnet trong khi chế độ Tor đang bật.