Cho dù bạn dự định lắp ráp một PC chơi game từ đầu hay nâng cấp một hệ thống cũ, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết. Trên hết, hãy nhớ rằng bạn đang build một PC theo những nhu cầu sử dụng riêng. Do đó, có một vài điều cần thiết bạn nên ghi nhớ trước khi bắt đầu đặt hàng các thành phần.
1. Ngân sách
Bạn sẵn sàng đầu tư bao nhiêu vào việc này? Không bao giờ nên chi tiêu quá nhiều khi build PC. May mắn thay, luôn có cách để tối đa hóa giá trị đồng tiền với bất kỳ ngân sách nào.
Với điều kiện bạn dành ít nhất 20 triệu đồng cho bản build của mình, bạn có thể tạo ra một PC chơi game 1080p tầm trung phù hợp để sử dụng trong nhiều năm tới. Chắc chắn, bạn sẽ cần đánh đổi một số thứ, nhưng vẫn có thể có được một cỗ máy mạnh mẽ trong phạm vi ngân sách này.
Mặt khác, nếu bạn có nhiều tiền mặt hơn, chẳng hạn như khoảng 30 triệu đồng, bạn có thể mua các thành phần cao cấp có khả năng chơi game 1440p và thậm chí 4K hiệu suất cao.
2. Game bạn muốn chơi
Cân nhắc loại game bạn muốn chơi. Một PC để chạy các esports game như Counter-Strike: Global Offensive, Liên minh huyền thoại hay thậm chí là Fortnite không nhất thiết phải cao cấp như một PC chạy các tựa game AAA như Cyberpunk 2077, Dying Light 2 hoặc Horizon Zero Dawn.
Độ phân giải mà bạn muốn chơi các game của mình cũng nên được tính đến. Trong một thời gian dài, chơi game ở độ phân giải 1080p hoặc full HD từng là tiêu chuẩn, nhưng ngày nay, chơi game 1440p hoặc quad HD đã trở thành điểm hấp dẫn đối với các game thủ trong về chất lượng hình ảnh và hiệu suất.
Lưu ý: Bạn đặt độ phân giải game càng cao thì hiệu suất của bạn sẽ càng thấp.
Về hiệu suất, hãy xem xét bạn cần PC của mình tạo ra bao nhiêu khung hình. Mặc dù nhiều người đồng ý rằng chơi game 60 FPS+ phải là tiêu chuẩn tối thiểu hiện nay, có thể đủ cho các game một người chơi theo cốt truyện, nhưng bạn sẽ cần càng nhiều FPS càng tốt trong những game nhiều người chơi cạnh tranh hơn.
Tóm lại, cần có sự cân bằng giữa độ phân giải và tốc độ khung hình. Đối với những game thủ theo đuổi tốc độ khung hình cao nhất có thể, khoản đầu tư tài chính vào PC sẽ tăng lên đáng kể.
3. Lộ trình nâng cấp
Bộ xử lý (CPU) và bo mạch chủ là hai thành phần cơ bản nhất của PC. Những điều này quyết định nền tảng mà bạn đang mua (Intel hoặc AMD) và lộ trình nâng cấp khả thi mà bạn có quyền tiếp cận trong những năm tới.
Việc chọn thương hiệu này thay vì thương hiệu kia thường rất hấp dẫn, chỉ đơn giản dựa trên sở thích cá nhân hoặc khả năng chi trả. Nhưng bạn nên cân nhắc kỹ lộ trình nâng cấp trước khi gắn bó với một nền tảng trong nhiều năm.
Chẳng hạn, Intel được biết đến rộng rãi là làm mới socket bo mạch chủ của mình gần như hàng năm, điều này hạn chế đáng kể lộ trình nâng cấp cho người dùng. AMD tiếp tục phát hành CPU mới cho nền tảng AM4 của mình gần 6 năm sau khi ra mắt lần đầu vào năm 2016. Công ty đã hứa sẽ hỗ trợ nền tảng AM5 mới ra mắt năm 2022 cho đến năm 2025 và có thể hơn thế nữa.
Một nền tảng bo mạch chủ lâu dài cung cấp cho bạn nhiều tùy chọn để lắp CPU mới và mạnh hơn cứ sau 2 đến 3 năm. Điều này có thể làm giảm tổng mức đầu tư ban đầu vào PC của bạn xuống nhiều hơn so với khoản đầu tư vào một nền tảng mới hàng năm.
4. Mục đích sử dụng
PC chơi game có rất nhiều sức mạnh và điều này đương nhiên khiến chúng trở nên lý tưởng cho nhiều tình huống ngoài chơi game, chẳng hạn như chỉnh sửa video chuyên nghiệp, thao tác hình ảnh và phát trực tuyến game.
Mặc dù PC chơi game là loại máy đa năng, nhưng chúng cần được cấu hình nếu bạn có ý định sử dụng thêm. Ví dụ, bộ xử lý 6 nhân, 12 luồng sẽ là quá đủ cho bản build chỉ dành cho chơi game, nhưng đối với bản build năng suất cần tất cả sức mạnh CPU có thể có, bạn nên sử dụng bộ xử lý 8 nhân hoặc 12 luồng, thậm chí cả bộ xử lý 12 nhân để có kết quả tốt nhất. Hơn nữa, có thêm bộ nhớ hoặc RAM cũng sẽ cải thiện hiệu suất trên máy.
Cuối cùng, GPU trên bản build năng suất không cần phải là tốt nhất, nhưng ít nhất nó phải đủ mạnh để theo kịp bộ xử lý trong các phiên làm việc chuyên sâu về đồ họa.
5. Lựa chọn GPU
Card đồ họa của PC sẽ tự quyết định loại hiệu suất mà bạn có thể mong đợi từ các game bạn chơi. Hiện tại, hai nhà sản xuất GPU desktop lớn – NVIDIA và AMD – cung cấp nhiều loại card đồ họa với nhiều mức giá khác nhau.
Tùy thuộc vào ngân sách của mình, bạn có thể chọn card cao cấp như RTX 3080 của NVIDIA hoặc RX 6800 XT của AMD hoặc card trung cấp như RTX 3060 Ti hoặc RX 6700 XT. Ngoài ra còn có các thẻ cấp thấp như RTX 3050 và RX 6500, nhưng bạn sẽ phải tiết chế kỳ vọng của mình với những sản phẩm ở mức giá đó.
Bạn cũng có thể chọn card thế hệ trước để tiết kiệm tiền. Ngoài mức giá, các yếu tố như hỗ trợ raytracing cũng có thể ảnh hưởng đến lựa chọn GPU của bạn. Card RTX của NVIDIA nhìn chung được biết là tốt hơn so với các sản phẩm của AMD dành cho những game hỗ trợ ánh sáng, phản xạ và hiệu ứng shadow. Ngay cả công nghệ tăng cường FPS của NVIDIA cũng được đánh giá vượt trội so với AMD.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn tập trung vào hiệu suất thô và tiết kiệm tiền, bạn nên xem xét các GPU cao cấp nhưng rẻ hơn đáng kể của AMD.
6. Khả năng lưu trữ
Bộ nhớ PC là một trong những lĩnh vực dễ bị chi tiêu quá mức. Mặc dù không còn lý do gì để chọn ổ cứng cơ học nữa, nhưng việc chi cả chục triệu cho ổ SSD Gen 4 hoặc Gen 5 đắt tiền cũng không phải là điều khôn ngoan.
Đối với hầu hết các tình huống trong thế giới thực như khởi động hệ thống hoặc chơi game, SSD NVMe Gen 3 (PCIe 3.0) phù hợp là tất cả những gì bạn cần để có trải nghiệm mượt mà và nhanh chóng. SSD Gen 4 hoặc Gen 5 mới nhất quảng cáo có tốc độ cực nhanh, nhưng sẽ hiếm khi tìm thấy trường hợp sử dụng mà bạn có thể cảm nhận được sự khác biệt, ngoại trừ khi sao chép nhiều file lớn hàng ngày.
Do đó, theo nguyên tắc chung, ổ SSD NVMe 500 GB dưới $50 là đủ cho hệ điều hành của bạn và một số game. Nếu bạn có ngân sách thoải mái, hãy sử dụng ổ SSD 1TB. Và bạn luôn có thể mua ổ cứng HDD rẻ hơn làm thiết bị lưu trữ thứ cấp.
7. Màn hình và nguồn
Việc đạt được một tốc độ khung hình nhất định ở một độ phân giải nào đó có thể chỉ phụ thuộc vào GPU và CPU của bạn, nhưng trên thực tế, việc trải nghiệm nó mà không có màn hình phù hợp đơn giản là điều không thể.
Nếu bạn có một màn hình full HD lỗi thời với tốc độ refresh giới hạn ở 60Hz, thì trải nghiệm chơi game của bạn sẽ không mang lại cảm giác “cao cấp” chút nào, bất kể các thành phần khác trong bản build ra sao. Đây là nơi màn hình tốc độ refresh cao phát huy vai trò.
Trong vài năm qua, màn hình 1440p 144Hz đã đạt được vị thế là sự cân bằng hoàn hảo giữa giá cả và hiệu suất. Chúng cung cấp chất lượng hình ảnh và tốc độ refresh cao hơn đáng kể mà không có mức giá cao như màn hình 4K có tốc độ refresh cao.
Một khía cạnh khác thường bị bỏ qua là chọn một bộ nguồn tốt. Một PSU giá rẻ từ một thương hiệu không có tên tuổi thường có thể hạn chế tiềm năng của bản build – hoặc tệ hơn, hỏng và kéo theo nhiều thành phần khác. Hãy luôn chọn ít nhất một thiết bị tầm trung với đủ công suất từ nhà sản xuất có uy tín.
8. Tính thẩm mỹ và kích thước
Một PC chơi game phải trông thật "chất". Các thành phần không chỉ xác định kích thước vật lý của PC mà còn cả hình thức bên ngoài của nó. Tính thẩm mỹ của case được quyết định bởi màu sắc, quạt RGB, chất lượng xây dựng, v.v...
Các game thủ thường để lựa chọn case cuối cùng, không nghiên cứu nhiều về nó như với những thành phần khác. Các case có luồng không khí tốt, khả năng quản lý cáp và tiềm năng nâng cấp có thể nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng hàng ngày của bạn. Chúng cũng cho phép nâng cấp trong tương lai thay vì phải thay thế toàn bộ.
9. Thị trường đã qua sử dụng
Nếu ngân sách của bạn hạn chế hơn một chút, bạn có thể cân nhắc xem xét thị trường đã qua sử dụng. Với sự cố tiền điện tử gần đây và các CPU, GPU mới của Intel, AMD và NVIDIA, có rất nhiều sản phẩm thế hệ cũ với giá tốt trên các trang web như eBay, Craigslist và Facebook Marketplace.
Bạn có thể do dự khi mua các sản phẩm đã qua sử dụng, đặc biệt là GPU, vì chúng có thể đã được sử dụng để khai thác tiền điện tử. Nhưng với sự bảo vệ người mua của eBay, bạn có thể yên tâm rằng bạn sẽ được hoàn lại tiền trong trường hợp sản phẩm có vấn đề.