Công nghệ Beamforming là gì? Nó tối ưu hóa mạng WiFi như thế nào?

Nhiều bộ định tuyến vẫn hứa hẹn có công nghệ Beamforming để cải thiện tốc độ WiFi. Vậy Beamforming là gì và nó hoạt động ra sao?

Beamforming là gì?

Nói đơn giản, Beamforming là công nghệ sóng radio giúp hướng sóng vào một mục tiêu cụ thể thay vì lan tỏa trong cả một khu vực. Thông thường, bộ định tuyến phát sóng WiFi theo mọi hướng. Với Beamforming, nó sẽ xác định thiết bị ở đâu và truyền sóng theo hướng đó. Beamforming đã nằm trong tiêu chuẩn bộ định tuyến WiFi IEEE 802.11ac thế hệ mới.

802.11ac và 802.11n

Trước đây Beamforming là một phần của 802.11n, yêu cầu cả bộ định tuyến và thiết bị phải hỗ trợ cùng một kiểu Beamforming. Vì không có chuẩn chung nên các nhà sản xuất thiết bị tự do thay đổi theo ý mình, khó mà có được sự tương thích.

Nhưng với chuẩn 802.11ac thì vấn đề này đã được khắc phục. Có một chuẩn chung cho Beamforming và các thiết bị 802.11ac, như bộ định tuyến hay laptop của bạn chẳng hạn, có thể chạy với nhau dễ dàng.

Beamforming là một phần của 802.11ac không có nghĩa là mọi thiết bị 802.11ac đều hỗ trợ Beamforming, nhưng nếu có, chúng sẽ ở dưới dạng chuẩn.

Beamforming có thể hoạt động được là nhờ các bộ thu - phát sử dụng công nghệ MIMO. Dữ liệu được gửi và nhận bằng nhiều ăng-ten để tăng số lượng cũng như khoảng cách truyền dữ liệu. MIMO lần đầu được giới thiệu trong chuẩn 802.11n và vẫn là tính năng quan trọng trong 802.11ac.

Beamforming hoạt động như thế nào?

Bộ định tuyến không dây (hay điểm truy cập) và bộ điều hợp không dây không hỗ trợ Beamforming phát dữ liệu theo nhiều hướng, nhưng nếu Beamforming được hỗ trợ, tín hiệu sẽ hướng tới từng thiết bị, tập trung vào truyền tải dữ liệu tới đích thay vì phát ra xung quanh. Hãy tưởng tượng nó giống như một bóng đèn chiếu bình thường và một bóng đèn có chụp để hướng ánh sáng vào một nơi.

Hình ảnh minh họa công nghệ Beamforming và WiFi thường
Hình ảnh minh họa công nghệ Beamforming và WiFi thường

Nếu thiết bị nhận WiFi cũng hỗ trợ Beamforming thì hai bên sẽ trao đổi thông tin địa điểm để tìm ra đường truyền dẫn tối ưu. Thiết bị phát được gọi là Beamformer, thiết bị nhận được gọi là Beamformee.

Beamforming trực tiếp và gián tiếp

Mô tả bên trên là Beamforming trực tiếp, với Beamforming gián tiếp (hay Beamforming ẩn) bộ định tuyến sẽ cố dùng công nghệ Beamforming để nâng cao chất lượng sóng cho các thiết bị cũ - không dùng chuẩn 802.11ac. Về lý thuyết thì có thể có ích nhưng trên thực tế, việc này không thể được như việc truyền tải giữa các thiết bị 802.11ac với nhau.

Thực tế Beamforming ẩn chỉ là phần phụ trợ, thêm vào để hỗ trợ được nhiều thiết bị hơn. Mỗi nhà sản xuất gọi tính năng này theo 1 cách, với Netgear, đó chính là Beamforming+.

Lợi ích của Beamforming

  • Tối ưu hóa mạng WiFi, giảm thiểu điểm chết
  • Mang lại kết nối WiFi ổn định để gọi video HD
  • Chất lượng WiFi tốt hơn
  • Giảm các can thiệp RF không cần thiết

Có cần phải có Beamforming không?

Beamforming trở thành chuẩn trên các bộ định tuyến không dây 802.11ac cùng với các tính năng mới như tri-band WiFi, nên nếu bộ định tuyến có Beamforming thì vẫn hơn. Trừ việc bạn phải bỏ tiền nhiều hơn thì việc này không gây mất mát gì.

Beamforming hữu ích nhất khi dùng với các thiết bị 802.11ac có hỗ trợ Beamforming, nên thiết bị cũ có thể chẳng được ích lợi gì, hoặc chút ích (tùy xem có hỗ trợ Beamforming ẩn không). Vì thế hãy dựa vào nhu cầu của mình mà đưa ra quyết định.

Xem thêm:

Thứ Ba, 10/07/2018 06:48
52 👨 6.483
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản