CDN (Content Delivery Networks) là gì?

Content Delivery Networks (CDN) được ví như xương sống của Internet, chịu trách nhiệm phân phối nội dung. Có thể bạn chưa biết rằng, mỗi người trong chúng ta đều tương tác với CDN hàng ngày: Khi đọc các bài báo trên các trang tin tức, mua sắm trực tuyến, xem video YouTube hoặc xem qua nguồn cấp dữ liệu mạng xã hội.

CDN là gì?

Content Delivery Networks (CDN) đề cập đến một nhóm máy chủ được phân phối theo địa lý, hoạt động cùng nhau để cung cấp nội dung Internet nhanh chóng.

Content Delivery Networks (CDN) được ví như xương sống của Internet
Content Delivery Networks (CDN) được ví như xương sống của Internet

CDN cho phép truyền nhanh các nội dung cần thiết để load nội dung Internet, bao gồm những trang HTML, file Javascript, bảng định kiểu, hình ảnh và video. Sự phổ biến của các dịch vụ CDN tiếp tục phát triển và ngày nay, phần lớn lưu lượng truy cập web được phục vụ thông qua CDN, bao gồm cả lưu lượng truy cập từ những trang web lớn như Facebook, Netflix và Amazon.

CDN được cấu hình thích hợp cũng có thể giúp bảo vệ các trang web chống lại một số cuộc tấn công độc hại phổ biến, chẳng hạn như những cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDOS).

CDN có giống như một web host không?

Mặc dù CDN không host nội dung và không thể thay thế nhu cầu web hosting, nhưng nó lại giúp cải thiện hiệu suất trang web. Nhiều trang web phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu hiệu suất bằng những dịch vụ hosting truyền thống, đó là lý do tại sao họ chọn CDN.

Bằng cách sử dụng bộ nhớ đệm để giảm băng thông hosting, giúp tránh gián đoạn dịch vụ và cải thiện bảo mật, CDN là một lựa chọn phổ biến để giảm bớt một số điểm khó khăn đi kèm với web hosting truyền thống.

Lợi ích của việc sử dụng CDN là gì?

Mặc dù lợi ích của việc sử dụng CDN sẽ thay đổi tùy thuộc vào quy mô và nhu cầu, nhưng lợi ích chính mà hầu hết người dùng có được bao gồm:

1. Cải thiện thời gian load trang web

Bằng cách phân phối nội dung gần hơn với khách truy cập trang web, thông qua việc sử dụng CDN server gần đó (cùng với các biện pháp tối ưu hóa khác), khách truy cập có thể trải nghiệm thời gian load trang nhanh hơn. Vì khách truy cập có xu hướng thoát ra khỏi trang web load chậm, nên CDN sẽ giảm tỷ lệ thoát và tăng lượng thời gian mà mọi người dành trên trang web. Nói cách khác, một trang web nhanh hơn có nghĩa là nhiều khách truy cập sẽ ở lại và gắn bó lâu hơn.

2. Giảm chi phí băng thông

Chi phí tiêu thụ băng thông để host trang web là chi phí chính cho các trang web. Thông qua bộ nhớ đệm và những giải pháp tối ưu hóa khác, CDN có thể giảm lượng dữ liệu mà máy chủ gốc phải cung cấp, do đó giảm chi phí hosting cho chủ sở hữu trang web.

3. Tăng mức độ khả dụng của nội dung

Một lượng lớn lưu lượng truy cập hoặc lỗi phần cứng có thể làm gián đoạn chức năng bình thường của trang web. Nhờ tính chất phân tán của chúng, CDN có thể xử lý lưu lượng và chịu được lỗi phần cứng tốt hơn nhiều máy chủ gốc.

4. Cải thiện bảo mật trang web

CDN có thể cải thiện bảo mật bằng cách giảm thiểu DDoS, cải tiến chứng chỉ bảo mật và thực hiện những giải pháp tối ưu hóa khác.

CDN hoạt động như thế nào?

Về cơ bản, CDN là một mạng lưới các máy chủ được liên kết với nhau với mục tiêu cung cấp nội dung nhanh nhất, không tốn nhiều chi phí, đáng tin cậy và bảo mật nhất có thể. Để cải thiện tốc độ và kết nối, CDN sẽ đặt nhiều máy chủ tại những điểm trao đổi giữa các mạng khác nhau.

Các IXP (Internet exchange point) này là những địa điểm chính mà các nhà cung cấp Internet khác nhau kết nối để cung cấp quyền truy cập vào lưu lượng truy cập bắt nguồn từ nhiều mạng khác nhau. Bằng việc có kết nối đến những địa điểm có tốc độ và tính kết nối cao này, nhà cung cấp CDN có thể giảm chi phí và thời gian trong việc phân phối dữ liệu tốc độ cao.

CDN là một mạng lưới các máy chủ được liên kết với nhau
CDN là một mạng lưới các máy chủ được liên kết với nhau

Ngoài việc đặt máy chủ trong IXP, CDN còn thực hiện một số biện pháp tối ưu hóa việc truyền dữ liệu client/server tiêu chuẩn. CDN đặt trung tâm dữ liệu (data center) tại các vị trí chiến lược trên toàn cầu, tăng cường bảo mật và được thiết kế để có thể tiếp tục duy trì khi gặp các loại lỗi và hiện tượng tắc nghẽn Internet khác nhau.

CDN cải thiện thời gian load trang web như thế nào?

Khi nói đến các trang web đang load nội dung, người dùng sẽ nhanh chóng bỏ qua nếu trang web bị chậm. Các service CDN có thể giúp giảm thời gian load theo những cách sau:

- Bản chất phân phối toàn cầu của CDN có nghĩa là giảm khoảng cách giữa người dùng và tài nguyên trang web. Thay vì phải kết nối với bất kỳ nơi nào server gốc của trang web đang hoạt động, CDN cho phép người dùng kết nối với trung tâm dữ liệu gần hơn về mặt địa lý. Thời gian di chuyển ít hơn có nghĩa là dịch vụ nhanh hơn.

- Tối ưu hóa phần cứng và phần mềm như khả năng cân bằng tải hiệu quả và ổ SSD có thể giúp dữ liệu đến tay người dùng nhanh hơn.

- CDN có thể giảm lượng dữ liệu được truyền bằng cách giảm dung lượng file, thông qua những chiến thuật như thu nhỏ và nén file. Dung lượng file nhỏ hơn có nghĩa là thời gian load nhanh hơn.

- CDN cũng có thể tăng tốc các trang web sử dụng chứng chỉ TLS/SSL bằng cách tối ưu hóa việc tái sử dụng kết nối và cho phép tính năng TLS false start.

Làm cách nào để CDN giữ cho một trang web luôn trực tuyến?

Thời gian hoạt động là một thành phần quan trọng đối với bất kỳ ai có tài sản Internet. Lỗi phần cứng và lưu lượng truy cập tăng đột biến, do các cuộc tấn công độc hại hoặc chỉ là sự gia tăng mức độ phổ biến, có khả năng làm sập web server và ngăn người dùng truy cập vào một trang web hoặc dịch vụ. Một CDN toàn diện có một số tính năng sẽ giảm thiểu thời gian “chết”:

Cân bằng tải phân phối lưu lượng mạng đồng đều trên một số máy chủ, giúp dễ dàng mở rộng quy mô tăng nhanh về lưu lượng.

Chuyển đổi dự phòng thông minh cung cấp dịch vụ không bị gián đoạn ngay cả khi một hoặc nhiều máy chủ CDN ngoại tuyến do trục trặc phần cứng; chuyển đổi dự phòng có thể phân phối lại lưu lượng đến những máy chủ hoạt động khác.

Trong trường hợp toàn bộ trung tâm dữ liệu gặp sự cố kỹ thuật, tính năng Anycast routing sẽ chuyển lưu lượng truy cập đến một trung tâm dữ liệu có sẵn khác, đảm bảo rằng không có người dùng nào mất quyền truy cập vào trang web.

CDN bảo vệ dữ liệu như thế nào?

Bảo mật thông tin là một phần không thể thiếu của CDN. CDN có thể giữ cho một trang web được bảo mật bằng chứng chỉ TLS/SSL mới sẽ đảm bảo tiêu chuẩn xác thực, mã hóa và tính toàn vẹn cao. Hãy tìm hiểu các mối quan tâm về bảo mật xung quanh CDN và khám phá những gì có thể được thực hiện để cung cấp nội dung một cách bảo mật.

Xem thêm:

Thứ Tư, 17/03/2021 17:24
58 👨 2.272
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Mạng LAN - WAN