Ý tưởng high-end định hướng thị trường máy ảnh

Các hãng sản xuất máy ảnh compact đang khuấy động thị trường với hàng loạt tính năng tân thời nhằm tìm ra hướng đi mới tăng lợi nhuận, thị phần và tiếng tăm.

Nikon P6000 tích hợp hệ thống định vị toàn cầu GPS nhằm ghi lại chính xác vị trí địa lý trên từng bức ảnh được chụp. Ảnh: Lightingtheway.


Trong những năm đầu của kỷ nguyên kỹ thuật số, một chiếc máy ảnh nhỉnh hơn về số "chấm", có tính năng nhận diện khuôn mặt và chống rung đã là nổi bật trước đám đông. Nhưng tới nay, khi làng máy ảnh số trở nên đông đúc, những ai trước đây từng mơ ước sở hữu một cái thì đã có rồi. Thêm vào nền kinh tế đình đốn khiến người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao. Trong tình hình này, các nhà sản xuất máy ảnh phải chuẩn bị những bước đi "táo bạo", trang bị cho sản phẩm của mình những tính năng “kinh hoàng” nhất, như hệ thống định vị toàn cầu GPS để ghi lại địa điểm chụp, khả năng quay video tốc độ cao hay cả dạng máy ảnh DSLR hệ 4/3 thu nhỏ (Micro Four Thirds).

Những tính năng "tân kỳ", thực tế, không phải dễ bán, bởi nó chỉ hấp dẫn một thị phần nhỏ, chứ không phải đa số dân chúng. Việc triển khai ban đầu bao giờ cũng đầy thử thách. Thuyết phục người tiêu dùng đổi máy mới đã là khó mà lại là những chiếc máy đắt tiền với cả loạt tính năng "cách mạng" thì còn "cam go" hơn. Tuy nhiên, khi đã lấy lòng được nhóm khách hàng này thì lợi nhuận sẽ không nhỏ, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay. Công ty nghiên cứu thị trường IDC dự đoán, sau nhiều năm tăng trưởng, sức tiêu thụ máy ảnh số sẽ sụt giảm vào năm 2009. "Đã quá đông rồi", nhà phân tích Ron Glaz thuộc IDC, thốt lên, “với sự đình đốn của nền kinh tế và thu nhập eo hẹp của người tiêu dùng, thị trường mua bán sẽ co lại”. Nói cách khác, mặc dù sản lượng bán ra hàng năm vẫn đạt khoảng 38 triệu chiếc, nhưng cũng vẫn có một vài nhà sản xuất sập tiệm.

Canon PowerShot G10, đại diện mới nhất của dòng G. Ảnh: Productwiki.


Công ty máy ảnh đang bị lung lay ngai vàng là Canon, người dẫn đầu trên thị trường máy compact. Hãng này không chỉ có vô số model dành cho tất cả phân khúc khách hàng, mà còn nổi tiếng với dòng G dành cho những người sẵn sàng trả giá cao để có những tính năng "xịn" nhất. Model đầu bảng hiện nay là PowerShot G10 độ phân giải 14,7 Megapixel, có thể chỉnh tay hoàn toàn, hỗ trợ định dạng RAW, thân máy rắn chắc và ống kính khá tốt.

Bản thân Canon cũng nhận định, "luôn có đối thủ cạnh tranh với dòng G và số lượng ngày càng tăng, trong số đó, không chỉ có máy compact mà còn các dòng DSLR khởi điểm với giá cũng chỉ ngang với G10". Tính từ năm 2006, mỗi năm Canon đều nâng cấp dòng G một lần và họ vẫn rằng G10 luôn ở vị trí dẫn đầu tại thị trường Mỹ.

Hãng này chia sẻ thị trường thống trị DSLR với Nikon, và ở thị trường máy compact thì đối thủ trực tiếp của Canon G10 là Nikon Coolpix P6000. Tính năng nổi bật của P6000 là có phần mềm định vị toàn cầu GPS để biết được vị trí địa lý nơi chụp. Thông số này được ghi vào file ảnh với tên gọi dán nhãn địa lý (geotagging), giúp người dùng phân loại theo vị trí chụp.

Ron Glaz, nhà phân tích của IDC phải thốt lên, "khi người ta chụp hàng nghìn bức hình mỗi năm, ai có thể nhớ được điểm đó cụ thể là nơi nào, mà chỉ nhớ rằng lúc đó tôi ở Paris, trong một kỳ nghỉ chẳng hạn".

Panasonic Lumix G1, máy ảnh Micro Four Thirds đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Daylife.


Olympus và Panasonic đang có tham vọng chiếm lĩnh thị trường bằng máy ảnh số ống kính rời kích thước siêu gọn bằng định dạng Micro Four Thirds. Mặc dù hai hãng này vẫn đang sản xuất và thương mại hóa những chiếc DSLR theo chuẩn Four Thirds, nhưng lại đang theo đuổi cả chuẩn Micro Four Thirds, một biến thể khác với cùng kích thước cảm quang, nhưng thân máy ảnh và ống kính đã được thu nhỏ do loại bỏ được gương lật vốn chiếm khoảng không khá lớn trong thân máy.

Giám đốc sản xuất của Olympus khẳng định rằng máy ảnh theo định dạng này là "camera cao cấp, có khả năng hoán đổi ống kính, thân máy cực kỳ nhỏ gọn nhưng một mức giá chấp nhận được". Đây là sản phẩm dành cho những người muốn nâng cấp từ máy compact.

Cho tới giờ, Olympus mới chỉ giới thiệu chiếc Micro Four Thirds ý tưởng. Mặc dù có nhiều phỏng đoán trái ngược, ý tưởng vẫn chỉ dừng ở ý tưởng tại triển lãm Photo Marketing Association (PMA) tại Las Vegas (Mỹ) vừa kết thúc. Panasonic nhanh chân hơn, họ đã cho ra đời chiếc Micro Four Thirds đầu tiên, Lumix DMC-G1.

Trong khi chiếc Micro Four Thirds mà Olympus đang "ấp ủ" hướng tới tính nhỏ gọn, giống như những máy rangefinder (ống ngắm trực tiếp) thời còn sử dụng phim, thì Panasonic G1 khá lớn và đắt tiền. Tuy nhỏ hơn DSLR, nhưng không có nghĩa là dễ dàng bỏ túi. Một số người gọi nó là "bé còi" DSLR, nhưng rõ ràng đây là tiềm năng của Micro Four Thirds. Sản phẩm này đã trở thành chiếc camera hay nhất năm 2008 do tờ báo Popular Photography (nhiếp ảnh đại chúng) bình chọn.

Công ty chuyên đánh giá phần cứng máy ảnh DxO Labs đánh giá chất lượng cảm quang của Panasonic G1 vượt trội so với Canon G10, một khởi đầu tốt cho máy ảnh Micro Four Thirds. Kích thước cảm biến đóng góp rất lớn vào chất lượng hình ảnh, và cảm quang của Micro Four Thirds (kích thước 17 x 13 mm) to hơn rất nhiều so với các cảm quang hiện đang sử dụng ở máy compact. Điều này rất quan trọng khi chụp trong ánh sáng yếu mà vẫn giữ được tông màu đẹp.

Chiếc máy ảnh ở dạng ý tưởng Micro Four Thirds của Olympus. Ảnh: Desinformation.


Panasonic đã không thành công lắm với những chiếc DSLR Four Thirds nhằm “chiến đấu” với hai gã khổng lồ Canon và Nikon, nay theo đuổi hướng mới Micro Four Thirds. Giám đốc Marketing bộ phận nhiếp ảnh của Panasonic cho rằng định dạng 4/3 thu nhỏ là một phần quan trọng trong định hướng tương lai của hãng. Thực tế cho thấy Sony, một người khổng lồ trong làng máy ảnh compact, cũng đang phải đang "vật lộn" cho dù đã dành nhiều tâm sức cho dòng Alpha.

Theo quan điểm của Panasonic, nếu có 23 triệu người muốn mua máy DSLR thì thực tế chỉ một phần ba số đó quyết định mua. Dòng máy Micro Four Thirds nhắm vào 16 triệu người còn lại. Câu hỏi đặt ra là tại sao không làm cho mọi việc dễ dàng hơn bằng cách "nhảy cóc" qua định dạng ống kính rời mà tới thẳng luôn dòng siêu zoom? Câu trả lời ngắn gọn là các quy luật vật lý không cho phép lắp ống siêu zoom vào cảm biến lớn, bởi cảm biến càng lớn thì ống kính phải càng to - đến mức khó chấp nhận được.

Dĩ nhiên là vẫn còn có thể cải thiện hơn nữa. Chiếc G1 vẫn chưa quay phim được cho dù nó không bị vướng bận bởi gương phản chiếu, trở ngại đáng kể cho việc quay phim của DSLR. Tuy nhiên, trong năm nay Panasonic đã có kế hoạch cho ra đời model mới có khả năng quay với độ phân giải cao.

Casio Exilim EX-F1 có thể quay phim tốc độ 300 khung hình mỗi giây với độ phân giải 512 x 384 pixel. Ảnh: Letsgodigital.


Trong một thời gian dài, Casio có một thị phần nhỏ cho mình đó là dòng máy siêu mỏng, tuy nhiên trong năm 2008, Casio đã bắt đầu đưa ra điểm nhấn mới: Quay video tốc độ cực cao. Hầu hết các máy ảnh số quay video ở tốc độ 30 khung hình/giây, nhưng chiếc Casio Exilim EX-F1 lại có thể quay phim tốc độ 300 khung hình mỗi giây với độ phân giải 512 x 384 pixel hoặc tới 1.200 khung hình/giây với độ phân giải 336 x 96 pixel.

Những sản phẩm sau đó, ví dụ EX-FH20 hay những máy nhỏ hơn Exilim EX-FS10 và EX-FC100 mới giới thiệu tại CES vừa qua, có thể chụp liên tiếp nhanh tốc độ rất cao thậm chí có thể "bắt" được khoảnh khắc trái bóng bay vào khung thành.

Công nghiệp sản xuất máy ảnh đang vận hành với tốc độ vũ bão nhờ sự phát triển của công nghệ. Rõ ràng, các hãng máy ảnh đều cố tìm một điểm mạnh để trang bị cho sản phẩm của mình. Nhưng đây không phải là điều chỉ thách thức phòng Nghiên cứu Phát triển của họ mà còn phải thuyết phục những khách hàng không nặng hầu bao rằng các tính năng tân kỳ không chỉ là màu mè mà thực sự đáng đồng tiền.

Thứ Ba, 10/03/2009 13:57
31 👨 167
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp