Vì một số lý do đặc biệt, trên sao Thủy vẫn có lượng băng khổng lồ dù nhiệt độ trên hành tinh gần Mặt trời nhất này có thể đạt tới 400 độ C. Bí ẩn này từ lâu đã khiến các nhà khoa học đau đầu đi tìm kiếm lời giải thích hợp lý nhất.
Và có vẻ như bí mật này đã bị phá vỡ bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Georgia.
Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học, gó Mặt trời mang theo các hạt tích điện, bao gồm cả các proton khi tấn công Sao Thủy. Chúng tương tác với các khoáng vật trên hành tinh này và tạo ra các nhóm hydroxyl. Dưới nhiệt độ cực cao, nhóm hydroxyl va đập vào nhau, tạo ra các phân tử nước và hydro.
Những phân tử này có xu hướng di chuyển khắp sao Thủy. Một số phân tử này sẽ rơi xuống các miệng hố, là những khu vực bị che khuất vĩnh viễn có nhiệt độ cực lạnh và không bao giờ nhận được ánh sáng Mặt trời trực tiếp.
Sao Thủy không có bầu khí quyển dày đặc, điều này đồng nghĩa với việc không có không khí dẫn nhiệt nên các phân tử nước này sẽ biến thành băng. Quá trình này có thể tạo ra khoảng 11 tỷ tấn băng, chiếm 10% tổng lượng băng của Sao Thủy, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Vật lý thiên văn.
Theo các nhà khoa học, phần băng còn lại trên sao Thủy có khả năng được tạo ra do va chạm với các thiên thạch và tiểu hành tinh.