Vì đâu Apple “phát cuồng” với bằng sáng chế?

Apple đã từng không lấy bằng sáng chế bất kỳ công nghệ nào. Mọi việc chỉ bắt đầu sau khi họ thua một vụ kiện bằng sáng chế với khoản bồi thường 100 triệu USD.

Những biện pháp bảo vệ bằng sáng chế quá quyết liệt đôi khi khiến Apple bị coi là gã khổng lồ hay ức hiếp kẻ yếu nhất của ngành công nghệ. Tuy nhiên, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết Apple đã từng không lấy bằng sáng chế bất kỳ công nghệ nào. Thực tế, mọi việc chỉ bắt đầu sau khi Apple bị thua cay đắng trong một vụ kiện bằng sáng chế kéo dài mấy năm.

Vì đâu Apple “phát cuồng” với bằng sáng chế?

Theo nội dung bài viết đăng trên thời báo The New York Times, năm 2006, Creative Technology kiện Apple vì iPod vi phạm một bằng sáng chế về “máy nghe nhạc di động” của công ty này. Kết quả cuối cùng là Apple phải bồi thường cho Creative Technology khoảng 100 triệu USD. Sau vụ việc đó, cố đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc Apple, ông Steve Jobs, thề sẽ đăng ký bằng sáng chế mọi thứ mà Apple sáng tạo ra, và khi iPhone xuất hiện, ông tuyên bố “chúng tôi sẽ xin cấp bằng sáng chế toàn bộ nó”.

Hàng tháng, các kỹ sư Apple được triệu tập tới những “buổi công bố phát minh”. Tại đây, họ sẽ miêu tả những thứ mình đang nghiên cứu. Luật sư của Apple sẽ cho biết công trình đó có thể được cấp bằng sáng chế hay không. Theo một cựu luật sư của Apple, thậm chí khi họ biết ý tưởng đó không thể được cấp bằng sáng chế, họ vẫn đệ đơn xin được cấp. “Nếu không vì mục đích nào khác, ít nhất điều này cũng ngăn chặn công ty khác tìm cách có được bằng sáng chế về ý tưởng này”, họ nói.

Không hề đáng ngạc nhiên khi trong suốt thập kỷ vừa qua, cứ mỗi năm số lượng những ứng dụng mà Apple đệ đơn xin cấp bằng sáng chế lại tăng gần như gấp mười lần. Kể từ năm 2011, họ đã nhận được hơn 4.000 bằng sáng chế. Năm 2011 cũng là năm đầu tiên Apple dành nhiều tiền cho bằng sáng chế hơn là cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển).

Một nhà cựu điều hành của Apple lập luận rằng nếu Apple không thể có được bằng sáng chế về bản quyền trí tuệ của mình, họ sẽ không tiêu tốn hàng tỷ đô la để tạo ra những sản phẩm như iPhone. Ông giải thích rằng các tính năng như “slide to unlock” (trượt để mở khóa) phải mất tới vài năm mới trở nên hoàn thiện và “các công ty khác không thể được phép đánh cắp nó”. “Đó là lý do hệ thống bằng sáng chế tồn tại”, người này giải thích.

Khi iPhone ra mắt lần đầu tiên năm 2007, Steve Jobs nhấn mạnh trước toàn thể khách mời tham dự hội chợ MacWorld là Apple đã có bằng sáng chế về sản phẩm này. Kể từ đó, Apple đã sử dụng bằng sáng chế để kiện các hãng sản xuất smartphone khác như HTC, Samsung, Nokia và Motorola. Tuy nhiên, Appe vẫn tuyên bố là họ đại diện cho sự đổi mới và họ chỉ lấy kiện tụng pháp lý làm “phương sách cuối cùng” để bảo vệ phát minh của mình.

Trong tuyên bố trước thời báo New York Times, Apple nói:

“Apple luôn luôn đại diện cho sáng tạo. Để bảo vệ các phát minh của chúng tôi, chúng tôi đã xin cấp bằng sáng chế nhiều công nghệ mới trong những sản phẩm đột phá và mang tính biểu tượng. Trong những trường hợp hiếm hoi, chúng tôi có những hành động pháp lý về tranh chấp bằng sáng chế, đó chỉ là phương sách cuối cùng.

Chúng tôi nghĩ rằng các công ty nên xây dựng sản phẩm của riêng họ thay vì cố ý sao chép sản phẩm của chúng tôi, và tháng Tám vừa qua, một bồi thẩm đoàn tại tòa án California cũng đưa ra kết luận như vậy”.

Trong khi có vẻ Apple vẫn lạm dụng hệ thống bằng sáng chế để tấn công đối thủ, bài đăng trên tạp chí The Times tiết lộ rằng trong một số trường hợp Apple cũng không còn lựa chọn nào khác. Nếu họ không đấu tranh bảo vệ công nghệ của tại tòa, tất cả những gì họ có thể làm chỉ là ngồi nhìn các đối thủ kiếm tiền từ chúng.

Thứ Ba, 09/10/2012 08:00
31 👨 163
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp