Vũ trụ là một thế giới thần bí đối với con người. Và nó cũng có vẻ đẹp khó cưỡng lại. Hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ trong bước sóng tia X nhé!
Đài quan sát Chandra của NASA đã nghiên cứu vũ trụ ở bước sóng tia X kể từ khi ra mắt vào năm 1999, nhưng nó không được biết đến nhiều như các đài quan sát khác như Hubble hay Spitzer. Một phần lý do là vì vũ trụ trông rất khác biệt — đôi khi gần như không thể nhận ra — ở bước sóng tia X. Nhưng đây có thể là nguồn thông tin vô giá về các thiên hà xa xôi và các hiện tượng không gian kỳ lạ, đặc biệt là khi dữ liệu tia X được kết hợp với dữ liệu bước sóng khác thành một hình ảnh có thể nhìn thấy.
Đó là lý do tại sao NASA đã công bố bộ sưu tập hình ảnh tuyệt đẹp này kết hợp những quan sát tia X với các quan sát bước sóng khác, để cho thấy các công cụ như Chandra có thể cho phép chúng ta nhìn vũ trụ qua nhiều lăng kính khác nhau.
Vật thể mà bạn nhìn thấy ở hình ảnh trên cùng bên trái chính là thiên hà M82, với dữ liệu tia X của Chandra hiển thị các luồng khí có màu xanh lam và hồng, trong khi dữ liệu ánh sáng nhìn thấy từ Hubble cho thấy thiên hà có màu đỏ và cam. Những luồng khí này phát sáng trong các dòng lan toản có nhiệt độ trên mười triệu độ C, bị đốt nóng bởi năng lượng phát ra từ nhiều vụ nổ siêu tân tinh.
Bức cảnh ở giữa hàng trên là cụm thiên hà có tên Abell 2744. Đây là một tập hợp khổng lồ của các thiên hà liên kết với nhau thông qua lực hấp dẫn, và cũng chứa một đám mây khí nóng khổng lồ có thể lên tới hàng chục triệu độ C. Sức nóng của luồng khí này khiến nó phát sáng rực rỡ trong quang phổ tia X dưới gam màu màu xanh lam theo quan sát của Chandra.
Ở trên cùng bên phải là một trong những vụ nổ siêu tân tinh sáng nhất được quan sát trong những năm 1980 với tên gọi SN 1987a. Dữ liệu của Chandra hiển thị sóng xung kích của vụ nổ dưới dạng màu xanh lam, trong đó dữ liệu của Hubble bổ xung vào phần còn lại của bức ảnh những gam màu khác.
Phía dưới cùng bên phải là hình ảnh cho thấy một hệ thống vật chất tồn tại ở phần rìa của siêu tân tinh được gọi là Eta Carinae, với hai ngôi sao quay quanh gần nhau. Hình ảnh này không chỉ bao gồm dữ liệu tia X của Chandra mà còn có cả dữ liệu tia cực tím do Hubble thu thập, được hiển thị bằng màu lục lam.
Hình ảnh ở giữa hàng dưới chính là Thiên hà Bánh xe (Cartwheel Galaxy) nổi tiếng, có hình dạng đặc biệt khi một thiên hà nhỏ va chạm dữ dội với thiên hà lớn hơn. Dữ liệu của Chandra cho thấy luồng khí nóng phát ra từ vụ va chạm có màu tím, và dữ liệu của Hubble có màu đỏ, xanh lục và xanh lam, cho thấy vụ va chạm kích hoạt sự hình thành sao như thế nào.
Cuối cùng, hình ảnh phía dưới cùng bên trái là Tinh vân Helix tuyệt đẹp, cho thấy cái nhìn thoáng qua về việc mặt trời của chúng ta có thể trông như thế nào trong hàng tỷ năm nữa khi nó cạn kiệt nhiên liệu và tạo thành một đám mây bụi khí khổng lồ. Ở đây, dữ liệu hồng ngoại từ kính thiên văn Spitzer được hiển thị bằng màu xanh lá cây và màu đỏ, dữ liệu ánh sáng quang học từ Hubble được hiển thị bằng màu cam và màu xanh lam, ánh sáng cực tím từ Galaxy Evolution Explorer được hiển thị bằng màu lục lam và dữ liệu của Chandra được hiển thị bằng màu trắng, làm nổi bật hình ảnh của một ngôi sao lùn nằm ở tâm của tinh vân.