Từ bỏ PC, khai tử WebOS, điều gì chờ đợi HP?

Hewlette-Packard vừa chính thức công bố kế hoạch rao bán mảng kinh doanh PC, cùng với đó là việc khai tử hệ điều hành di động WebOS. Hãy cùng Nhịp Sống Số xem xét quyết định này có ảnh hưởng thế nào đến bản thân công ty cũng như toàn bộ ngành công nghiệp nói chung…

HP đang tìm kiếm ai đó để mua lại phân nhánh Personal Systems Group (PSG), vốn chịu trách nhiệm cho việc sản xuất và tung ra thị trường tất cả sản phẩm máy tính cá nhân (PC), PC cho doanh nghiệp, Pocket PC (máy tính bỏ túi), MediaSmart TV và các sản phẩm DVR.

WebOS chính thức “từ trần”

Lý do để HP bỏ 1,2 tỉ USD để mua lại Palm cách đây hai năm bởi họ nhìn thấy tương lai trong WebOS, nhưng từ đó đến nay họ vẫn chưa thu được lợi từ sản phẩm trí tuệ này. Tháng 2-2011, HP thông báo về ba thiết bị WebOS mới: HP Veer, HP Touchpad và Palm Pre 3, đồng thời tuyên bố dõng dạc rằng WebOS sẽ được tích hợp triệt để vào mọi sản phẩm PC sau này.


Ảnh minh họa: Digitaltrends

Nhưng điều đó sẽ không bao giờ thành hiện thực, với doanh số bán ra của chiếc HP Veer và HP TouchPad quá nghèo nàn, mà lý do chủ yếu nằm ở thiết kế và phần cứng, chứ không phải WebOS. Nhưng dù thế nào, doanh số vẫn quyết định tất cả. Theo Best Buy, chiếc tablet TouchPad của HP mới chỉ bán được 25.000 đơn vị trong tổng số… 250.000 chiếc thuộc đợt hàng đầu được giao đến các nhà bán lẻ.

Cuối cùng, tuy sẽ chấm dứt mọi dự án phát triển WebOS, song HP vẫn cho biết họ sẽ bán bản quyền sử dụng hệ điều hành này cho những tập đoàn và hãng khác, không loại trừ cả công nghiệp xe hơi và thiết bị gia dụng. Nhưng theo giới phân tích, hi vọng của HP là ngớ ngẩn, bởi sẽ chẳng ai muốn mua lại một sản phẩm đã… chết.

Apple sẽ soán ngôi HP

Apple với việc tiêu thụ được 13,6 triệu đơn vị sản phẩm đã chạm mốc 21,1% thị phần của thị trường PC trong quý 2-011. Thị phần của HP đứng thứ hai ngay sau Apple với 15% thị phần, do đã bán được 9,7 triệu đơn vị PC trước khi thông báo việc từ bỏ mảng kinh doanh PC.


Ảnh minh họa: Quarterly Mobile PC Shipment and Forecast Report

Dell, Acer và Lenovo lần lượt chiếm những vị trí tiếp theo trong bảng tổng sắp.

Vậy tại sao HP lại quyết tâm giã từ mảng PC, trong khi doanh số bán ra của họ rõ ràng không tồi chút nào? Câu trả lời rất đơn giản: ban lãnh đạo HP không chắc lắm về tương lai phía trước của mảng kinh doanh PC.

Xu hướng công nghệ từ nay về sau sẽ ngày càng làm ranh giới giữa PC và smartphone hòa lẫn vào nhau, doanh số bán ra của máy PC truyền thống đang có dấu hiệu suy thoái (giảm 2% trong quý 2-011). Thay vào đó, HP sẽ tập trung nguồn lực vào mảng in ấn, phần mềm, doanh nghiệp và dịch vụ khách hàng, vốn có tiềm năng lợi nhuận cao hơn nhiều so với PC.

Mảng PC của HP sẽ đi về đâu, ai sẽ mua?

Dường như lịch sử đang có dấu hiệu lặp lại. Năm 2005, IBM quyết định bán toàn bộ dây chuyền PC của họ cho doanh nghiệp Trung Quốc Lenovo với giá 1,75 tỉ USD, con số quá khiêm tốn nếu so với mức 12,5 tỉ USD Google phải bỏ ra để có được Motorola Mobility, bởi vào thời điểm đó IBM là hãng sản xuất PC lớn thứ ba tại thị trường Hoa Kỳ.

Lúc đầu, Lenovo “ỷ lại” rất lớn vào thương hiệu IBM, song từ những năm sau đó hãng này đã củng cố mạnh mẽ việc phát triển thương hiệu chính của mình, dần tiến tới việc loại bỏ logo IBM trong các sản phẩm bán ra. Kết quả, Lenovo hiện là hãng sản xuất PC lớn thứ 5 thế giới với 9,7% tổng thị phần vào năm 2010, doanh số bán ra đạt 4,8 tỉ USD vào quý 2-2011. Nên biết, thị phần của IBM vào năm 2004 chỉ là 5,5%.

Rõ ràng, Lenovo đang làm rất tốt việc thoát khỏi cái bóng của IBM.

Vậy cái tên nào của ngành công nghiệp sẽ là “Lenovo” của HP? Câu trả lời có thể là bất cứ đối thủ lớn nào của HP, như Acer, Dell, Toshiba hay thậm chí chính… Lenovo. HP leo đến đỉnh vinh quang của thị trường PC toàn cầu vào năm 2002 bằng việc thâu tóm Compaq - vốn từng là hãng sản xuất PC lớn nhất thế giới trong giai đoạn 1996-2000. Năm 2006, HP tiếp tục đoạt ngôi dẫn đầu từ Dell và tiếp tục giữ nguyên vị trí đó đến tận đầu năm nay, trước khi bị Apple vượt mặt.

Những cái tên không nổi lắm trên thị trường PC như Samsung, LG, HTC hay… Google cũng là những “khách hàng” tiềm năng. Suy cho cùng, với những “đại gia” như Samsung, mảng kinh doanh PC chưa bao giờ đạt được những thành công như mảng smartphone của họ.

Thứ Hai, 22/08/2011 10:53
51 👨 292
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp