Thiếu magie có nguy cơ mắc những loại bệnh gì?

Magie là một nguyên tố vi lượng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của con người. Thiếu magie chắc chắn cơ thể sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ. Vậy những ảnh hưởng đó là gì? Triệu chứng thiếu magie như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có được câu trả lời nhé!

Thiếu magie

Vai trò của magie đối với sức khỏe

  • Ngăn ngừa tình trạng chuột rút cho phụ nữ có thai: Khoa sản và phụ khoa, khoa Khoa học Y tế, Bệnh viện Đại học Linkonping, Thụy Điển đã tiến hành thử nghiệm trong 3 tuần ở phụ nữ mang thai. Kết quả cho thấy rằng, magie có tác dụng đối phó với tình trạng chuôt rút rất đáng kể giúp cho các thai phụ không còn đau đớn, khó chịu trong suốt thời gian thai kỳ.
  • Cải thiện stress và rối loạn lo âu: Magie mang lại lợi ích to lớn đối với sức khỏe tim mạch, não, thận...nó còn giúp ngăn ngừa thiếu hụt các khoáng chất và bệnh mãn tính. Mỗi ngày 248mg magie giúp cải thiện chứng trầm cảm, rối loạn lo lắng.
  • Giảm thiểu nguy cơ tiểu đường tuýp 2: Magie có sự tác động đến hóc môn chuyển hóa đường trong cơ thể. Ở một số người béo phì thường xuyên bổ sung magiê sẽ làm giảm nguy cơ phát bệnh đái tháo đường.
  • Giảm nguy cơ loãng xương: Magie rất cần thiết để thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi cho cơ thể, nó làm tăng mật độ khoáng xương đồng thời làm giảm tỷ lệ gãy xương do loãng xương.
  • Cải thiện trí nhớ ở người lớn tuổi: Magie được xem là trung gian quan trọng giúp kiểm soát mật độ khớp thần kinh, giúp nâng cao khả năng nhận thức ở người lớn tuổi.
  • Ngoài ra, Magie còn đóng vái trò tích cực giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc sỏi thận, giảm nguy cơ cao huyết áp hay giảm độc tính cho người bệnh trong quá trình điều trị bằng hóa trị, xạ trị...

Có thể thấy rằng vai trò của Magie là rất to lớn. Vậy nếu cơ thể thiếu hụt magie điều gì sẽ xảy ra?

Triệu chứng thiếu Magie của cơ thể?

Như thế nào được gọi là thiếu Magie?

Mức magiê bình thường nằm trong khoảng 0,6 - 1,1 mmol/L (1,46 - 2,68 mg/dL), mức dưới 0,6 mmol/L (1,46 mg/dL) được chẩn đoán là giảm magie huyết hay còn gọi là thiếu Magie.

Thiếu magie gây bệnh gì

Lượng Magie cần nạp hàng ngày là bao nhiêu?

Trẻ sơ sinh (0 - 6 tháng): 30mg/ngày (lúc này magie được cung cấp qua sữa mẹ nên người mẹ phải tăng cường ăn nhiều thực phẩm có chứa magie)

  • Trẻ em (7 - 11 tháng tuổi): 75mg/ngày
  • Trẻ em (1- 3 tuổi): 80mg/ngày
  • Trẻ em (4 - 8 tuổi): 130mg/ngày
  • Trẻ em (9 - 13 tuổi): 240mg/ngày
  • Thanh niên (14 - 18 tuổi): 360 - 410mg/ngày
  • Nam giới (19 - 30 tuổi): 400mg/ngày
  • Nam giới (31 tuổi trở lên): 420 mg/ngày
  • Nữ giới (19 - 30 tuổi): 310 mg/ngày
  • Nữ giới (31 tuổi trở lên): 320 mg/ngày

Ai có nhiều nguy cơ thiếu Magie?

  • Người có bệnh về đường tiêu hóa: Những người có đường ruột dễ bị kích ứng hấp thu kém hơn những người khác.
  • Người hay bị nôn, tiêu chảy: Hai hoạt động này sẽ khiến cho Magie bị "đào thải" ra hết khỏi cơ thể
  • Người đang trong quá trình điều trị thuốc: Các thuốc lợi tiểu, kháng sinh và các thuốc đặc trị khiến cho khả năng hấp thụ khoáng chất của hệ thống tiêu hóa bị hạn chế.
  • Người cao tuổi: Do cơ thế kém hấp thụ, tiêu thụ thức ăn ít hơn hay do hệ tiêu hóa không còn khỏe mạnh sẽ khiến người cao tuổi có nhiều nguy cơ thiếu hụt magie hơn so với người trẻ.
  • Người có mức Kali và canxi trong máu thấp: Nếu bạn đang thiếu cả kali và canxi, thì bạn cũng đang có nguy cơ bị thiếu Magie.

Khi thiếu Magie cơ thể bạn sẽ có những biểu hiện như:

  • Co cơ, chuột rút: Đóng vai trò củng cố chức năng cơ bắp, chính vì thế nếu cơ thể bạn thiếu đi khoáng chất này sẽ rất dễ gây nên các hiện tượng co cơ, chuột rút đặc biệt là vào ban đêm. Nếu thiếu với hàm lượng lớn rất có thể dẫn tới bị co giật cơ mặt, co rút cơ bắp, chuột rút ngay cả trong những hoạt động ban ngày.
  • Co giật mắt thường xuyên: Nếu thường xuyên co giật mắt hãy nghĩ tới trường hợp bạn bị thiếu hụt magie nhé.
  • Nhịp tim bất thường: Thiếu magiê làm tăng nhịp tim bất thường vì nó khiến hàm lượng một số chất dinh dưỡng như canxi trong máu giảm.
  • Cơ thể mệt mỏi: Cơ thể cần magie để tạo ra adenosine tri-phosphate (ATP) - một chất cần thiết để tạo ra năng lượng. Khi cơ thể thiếu hụt magie, năng lượng sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu hàng ngày dẫn tới cơ thể mệt mỏi, uể oải.
  • Đau nửa đầu: Một nghiên cứu được công bố trên European Journal for Nutraceutical Research cho thấy việc xịt dầu magiê tại chỗ trong 3 tháng giúp cải thiện mức độ nghiêm trọng và tần suất các triệu chứng đau nửa đầu. Vì thế nếu bạn gặp phải tình trạng đau nửa đầu mà không rõ nguyên nhân rất có thể cơ thể của bạn đang gặp phải tình trạng thiếu hụt Magie
  • Ù tai: Ù tai hoặc cảm giác có tiếng réo rắt trong tai cũng là triệu chứng phổ biến khi cơ thể thiếu hụt magie. Nếu tình trạng thiếu hụt lâu dài còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho thính lực
  • Ngoài ra còn một số biểu hiện như: Khó ngủ, buồn chán, thường xuyên thèm socola, gặp phải các bệnh về da

Thiếu magie 1

Thiếu magie có thể gây nên bệnh gì?

Tình trạng thiếu Magie cũng nguy hiểm như khi cơ thể thiếu sắt. Đặc biệt là với những người cao tuổi do chế độ ăn không đảm bảo, ăn ít, giảm khả năng hấp thụ magiê của ruột, do tăng bài tiết magiê qua thận hoặc sử dụng một số thuốc trong chữa bệnh.

Thiếu hụt magie dù ở mức độ thấp cũng có thể là nguyên nhân gây nên các bệnh như:

  • Tim mạch
  • Rối loạn nhịp tim
  • Đột quỵ
  • Bệnh đau đầu
  • Rối loạn hoạt động cơ
  • Đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt
  • Gây táo bón hoặc khiến phụ nữ thêm "cáu gắt" vào những ngày đèn đỏ.

Bổ sung Magie bằng cách nào?

Nếu có những dấu hiệu của việc thiếu Magie, các bạn nên tới những cơ sở y tế để thăm khám, xét nghiệm máu để biết chính xác tình trạng thiếu của mình để có những bổ sung thích hợp.

Bổ sung magie có thể được thực hiện thông qua:

  • Bổ sung thực phẩm giàu magie vào chế độ ăn hàng ngày như tích cực sử dụng các loại rau chân vịt, sữa chua, chuối, quả bơ, socola đen, rong biển...
  • Hoặc bổ sung các thực phẩm chức năng có chứa Magie.

Magie có vai trò quan trọng, tuy nhiên bổ sung thừa hoặc thiếu magie đều gây nên những mối nguy hại cho sức khỏe. Để đảm bảo có một cơ thể khỏe mạnh, các bạn cần lắng nghe thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm và có hướng xử lý tích cực nhất. Chúc các bạn luôn khỏe!

Thứ Sáu, 30/08/2019 14:58
54 👨 3.621
0 Bình luận
Sắp xếp theo