Thị trường phần mềm di động: Ai sẽ thắng?

Sự xuất hiện của các nền tảng công nghệ mới như Adroid của Google hay iPhone của Apple đã đặt ra những thách thức mới buộc những công nghệ lâu đời như Symbian của Nokia, Windows Mobile phải nỗ lực đổi mới. Trong một tình thế như thế, giới phát triển phần mềm là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Họ có nhiều cơ hội để thể hiện tài năng.

Song trong một cuộc họp mới đây của Hiệp hội công nghiệp phần mềm New York (NYSIA), không ít lãnh đạo cấp cao trong ngành đã lên tiếng cảnh báo giới phát triển phần mềm hiện nay chỉ lo tập trung đến những nền tảng có lợi cho họ và giúp họ kiếm được nhiều tiền nhất từ việc phát triển các ứng dụng dành riêng cho những nền tảng công nghệ đó.

Hiện nay, Symbian đang là nền tảng thu hút được nhiều sự quan tâm nhất bởi đây là công nghệ được ứng dụng nhiều nhất trên thị trường di động toàn cầu hiện nay - đặc biệt là trên phân khúc thị trường điện thoại thông minh (smartphone).

"Mục tiêu của chúng tôi là giúp tất cả các chuyên gia phát triển phần mềm tận dụng những gì họ có để phát triển nên những gì mà họ mong muốn," Eiric John - Giám đốc marketing cho Diễn đàn Nokia - khẳng định. "Ở đây chúng tôi không chỉ nói riêng với các nhà phát triển phần mềm trên nền tảng ngôn ngữ C++ hoặc Java, mà bất kỳ ai - nhà thiết kế website hay một người bình thường - nếu họ muốn chúng tôi cũng sẽ giúp họ có đủ khả năng để lập trình ra ứng dụng cho thiết bị di động của Nokia".

Theo ông John, xu hướng hội tụ sức mạnh của dịch vụ web và ứng dụng trên thị trường di động đang ngày một trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Mục tiêu của Nokia là thúc đẩy sự phát triển của 3 dòng ứng dụng chính sau đây - ứng dụng web, ứng dụng tích hợp quảng cáo và ứng dụng định vị.

"New York không chỉ là một thành phố rất phát triển mà còn là một địa điểm quảng cáo rất lý tưởng. Nokia muốn có một ứng dụng có thể giúp mang khách hàng đến ho nhà quảng cáo thông qua các ứng dụng web nhỏ (widgets)".

Khi được đề nghị đánh giá về hiểm họa iPhone đối với nền tảng công nghệ của Research In Motion (RIM), ông Tyler Lessard - Giám đốc phụ trách liên minh BlackBerry ISV và chương trình tạo lập mối liên kết trong cộng đồng phát triển phần mềm - cho biết: "Thật thú vị khi được chứng kiến sự phát triển chung của cả thị trường. Việc Apple hay một số hãng khác cũng gia nhập thị trường di động đã mang đến cho các nhà phát triển ứng dụng di động những cơ hội tuyệt vời. Cạnh tranh là một điều không thể thiếu trên thị trường di động. Thị trường điện thoại thông minh là một thị trường lớn, hoàn toàn có đủ chỗ cho tất cả mọi cùng tham gia".

Mảnh đất màu mỡ cho các nhà phát triển ứng dụng

Ông Vishy Gopalakrishnan - Giám đốc công nghệ Hãng tư vấn công nghệ di động và không dây Mobile Partners - cho rằng sự kết hợp giữa công nghệ định vị với những tính năng khác đã giúp mang lại khả năng hướng tới từng đối tượng khách hàng cụ thể đồng thời cho phép triển khai ứng dụng hình thức thanh toán di động. "Rồi các bạn sẽ thấy khả năng định vị sẽ là một yếu tố tối quan trọng trong việc phát triển các ứng dụng về sau này".

Ông Gopalakrishnan cũng đồng tình với quan điểm của Giám đốc tài chính Nokia, cho rằng cộng đồng phát triển phần mềm sẽ đổ xô về nền tảng công nghệ nào mang đến cho họ phương thức đơn giản nhất để phát triển, cung cấp các ứng dụng di động và không dây cũng như mang lại lợi nhuận cao nhất.

"Linux là một hệ điều hành có sức hấp dẫn rất cao... Điều này đã giải thích vì sao Google Android lại nhanh chóng thu hút được nhiều sự quan tâm đến như thế. Mục tiêu của Google là kiếm tiền từ các ứng dụng phát triển trên nền tảng Android."

"Tôi đánh giá cao Android bởi nó đã góp phần làm mới lại bộ mặt lĩnh vực phát triển ứng dụng di động. Thách thức lớn nhất hiện nay đối với Android là làm thế nào để nó có thể được ứng dụng rộng rãi. Có như thế ứng dụng trên nền tảng này mới có cơ hội xuất hiện rộng rãi hơn".

Tương tự ông Gopalakrishnan cũng hướng mọi người chú ý tới đường hướng phát triển nền tảng Symbian của Nokia. "Nokia đang muốn chuyển từ một công ty sản xuất thiết bị sang một công ty cung cấp phần mềm và dịch vụ. Apple cũng đang đi theo chiều hướng tương tự mà minh chứng rõ ràng nhất chính là việc hãng này tung ra dịch vụ Apple MobileMe. Dịch vụ này đã mang lại cho Apple một nguồn lợi nhuận không nhỏ".

"Đứng trên quan điểm của Nokia, chúng ta sẽ thấy được mối tương quan giữa nền tảng công nghệ và kinh doanh ứng dụng," ông John - Giám đốc marketing cho Diễn đàn Nokia - cho biết. "Với nền tảng Symbian kết hợp với HTML và Widgets, chúng tôi mong muốn sẽ làm mọi thức trở nên đơn giản hơn cho nhà phát triển, giúp họ phát triển được các ứng dụng và kinh doanh nó trên phạm vi toàn cầu".

Lessard của RIM thì cho biết hãng của ông sẽ phát triển dựa trên nền tảng Java Virtual Machine. "Một trong những thách thức lớn đối với chúng tôi hiện nay là làm thế nào nâng cao hiểu biết của người dùng, kinh doanh tốt và mở rộng kênh phân phối". "Chúng tôi rất muốn mở ra một cửa hàng kinh doanh ứng dụng nhưng lại phải đối mặt với vấn đề là nhiều nhà cung cấp dịch vụ chưa sẵn sàng hỗ trợ. Mục tiêu hiện nay của chúng tôi là phải phối với với các nhà cung cấp dịch vụ để cùng họ xây dựng tất cả từ đầu".

Thứ Bảy, 26/07/2008 08:32
31 👨 265
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp