Sony đang tuyển chủ tịch

Sony đang tìm kiếm một vị chủ tịch mới để kế vị chức vụ chủ tịch của Howard Stringer, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của nhà xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất Nhật Bản.

Việc sắp xếp một người làm chủ tịch tại Sony sẽ giảm tải công việc và các chuyến công tác cho ông Stringer, đồng thời mang lại cơ hội cho người Chủ tịch mới chứng tỏ năng lực, khí phách khi Sony đang đặt ra các kế hoạch dài hạn.

Theo những người thân cận với nguồn tin, Kazuo Hirai và Hiroshi Yoshioka, hai nhân vật trong “bộ tứ” nổi tiếng của Sony, có thể sẽ là những đối tượng cho vị trí này. Hirai, 49 tuổi, hiện đang “trông nom” mảng kinh doanh game của Sony. Ông bắt đầu sự nghiệp tại liên doanh giữa Sony và CBS, nay là công ty Sony Music Entertainment Inc., hồi năm 1984. Ông lên chức chủ tịch mảng game tại Mỹ của Sony vào năm 1999. Hirai thành thạo tiếng Nhật và tiếng Anh.

Yoshioka, 58 tuổi, giám sát các sản phẩm tiêu dùng trị giá 50 tỷ USD của Sony, bao gồm các sản phẩm TV, DVD, đầu đĩa Blu-ray và máy quay camera. Ngoài ra, ông cũng chịu trách nhiệm về mảng kinh doanh pin và bán dẫn tại Sony.

Hai nhân vật khác trong “bộ tứ” của Sony là Yoshihisa Ishida, 51 tuổi, hiện đang đứng đầu mảng kinh doanh TV của Sony, “dưới trướng” của Yoshioka. Và Kunimasa Suzuki, 50 tuổi, điều hành mảng máy tính cá nhân Vaio của Sony, “dưới trướng” của Hirai.

Hiện đại diện của Sony từ chối bình luận về sự việc.

Stringer có bằng thạc sỹ và cử nhân lịch sử của trường Đại học Oxford. Ông đã tham gia vào Sony từ năm 1997 sau 20 năm làm việc tại CBS. Là một người sinh ra ở Welsh (Mỹ), Stringer đã trở thành chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sony vào năm 2005 sau khi giành chiến thắng trước người tiền nhiệm Nobuyuki Idei.

Ông Stringer giữ chức Chủ tịch Sony từ tháng 4/2009, sau khi “hất cẳng” ông Ryoji Chubachi. Stringer thường xuyên phải đi công tác, từ văn phòng chính của ông ở New York, đến trụ sở tại Tokyo của Sony, đến đơn vị làm phim ở Los Angeles và Luân Đôn, nơi gia đình ông sinh sống. Năm ngoái, ông đã nói muốn duy trì công việc cho đến khi Sony hoàn thành kế hoạch kinh doanh vào tháng 3/2013.

“Stringer đáng được đánh giá cao vì đã thực hiện các cuộc cải tổ cơ cấu, tránh cho công ty khỏi vấn nạn chảy máu nhân sự”, Kohi Toda, một nhà quản lý quỹ tại Resona Bank Ltd (Nhật Bản), nói. “Tuy nhiên, Stringer đã không chèo lái Sony tăng trưởng tốt”.

Kế hoạch tuyển dụng một vị chủ tịch có thể báo hiệu sự chuyển hướng vào hàng điện tử của Sony, sau nhiều thập kỷ “dấn thân” vào truyền thông. Sony vẫn không thể “làm gì nổi” Apple trong mảng máy nghe nhạc, hay Samsung trong mảng TV, trong khi đó Nintendo vẫn dẫn đầu về máy chơi game. Kể từ khi Stringer trị vị Sony vào tháng 6/2005, cổ phiếu Sony đã giảm khoảng 25%.

Stringer đã thay thế lãnh đạo của một số đơn vị, và cắt giảm 30.000 nhân viên. Sony cũng đã cố gắng tăng doanh số bằng các sản phẩm 3D và tiên phong trong việc tung ra các mẫu TV Internet chạy trên phần mềm của Google và chip Intel.

Mới đây, Sony đã tăng con số dự đoán thu nhập ròng cả năm sau khi cải thiện kết quả kinh doanh của các mảng máy chơi game PlayStation, laptop Vaio và máy nghe nhạc Walkman. Sony vừa công bố hai quý kinh doanh có lãi liên tiếp, thậm chí khi đồng Yên đạt mức gần cao nhất trong 15 năm qua.

Thứ Bảy, 27/11/2010 10:21
31 👨 251
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp