Samsung NX10 đề cao tính gọn nhẹ


Samsung NX10 đề cao tính gọn nhẹ. (Ảnh: Dpreview).

Máy số ống kính rời của Samsung, bản NX10 vẫn dùng cảm biến APS-C nhưng kích thước nhỏ gọn nhờ bỏ bướt buồng gương lật và kính ngắm quang.

Trong khi "cuộc chiến" giữa DSLR và Micro Four Thirds chưa đến hồi ngã ngũ thì Samsung lại tự tạo cho mình lối đi riêng bằng phiên bản máy ảnh "lai" đình đám NX10. Dù vẫn được trang bị cảm biến APS-C nhưng sản phẩm này lại có kích thước nhỏ gọn nhờ việc lược bỏ bớt buồng gương lật và kính ngắm quang như các "tiền bối" SLD (Single-lens Direct-view) đến từ Panasonic hay Olympus. Tuy không tạo nên đột phá về chất lượng ảnh, nhưng Samsung NX10 vẫn hấp dẫn người dùng nhờ thiết kế đẹp mắt, giao diện đơn giản, tốc độ hoạt động nhanh và độ nét khá tốt của ống kit đi kèm.

Samsung NX10 có ngoại hình khá mỹ miều với hệ thống phím bấm được bố trí rất hợp lý. Thân máy có kích thước 3 chiều 123 × 87 × 40 mm, thậm chí trông còn thon gọn hơn cả đối thủ Panasonic G1. Kể cả khi gắn pin, thẻ nhớ và ống kit 18-55 mm, khối lượng của NX10 cũng chỉ lên tới 610 gram, rất thích hợp cho những chuyến đi chơi xa hoặc "dạo quanh" đời thường. Báng cầm hơi nông và cứng nên dễ trơn trượt nếu tay bạn ra nhiều mồ hôi. Khi gắn ống kính 30 mm, trọng tâm của máy có xu hướng lệch trái. Hiện tượng này sẽ tăng lên rõ rệt nếu bạn gắn những ống zoom nặng hơn.


Hệ thống phím trên NX10 tuy hơi nhỏ nhưng bố trí rất hợp lý. (Ảnh: Imaging Resource)

Hệ thống phím trên NX10 được bố trí rất hợp lý. Nút nhấn chụp nhô hẳn ra ngoài để vừa vặn với vị trí ngón tay trỏ khi cầm máy. Vành bật - tắt máy bố trí theo kiểu bao quanh nút nhấn chụp rất giống với các dòng máy DSLR của Nikon. Phím xem trước độ sâu trường ảnh (DOF preview) ít dùng hơn nên được chuyển về phía dưới ngàm ống kính. Đèn trợ sáng lấy nét ở mặt trước là loại LED xanh lục có độ sáng lớn nhằm tăng cường khả năng hoạt động trong đêm của NX10. Ở đây cần lưu ý, cửa trập ở trạng thái mở khi tắt nguồn, vì thế khi thay lắp ống kính phải rất cẩn trọng để tránh bụi lọt vào. Cơ chế điều khiển tại mặt trên và mặt sau trông đơn giản như những máy ảnh du lịch hiện nay. Các phím tuy nhỏ nhưng rất nhạy. Đèn flash không bật cao cho lắm nhưng độ sáng vẫn được đảm bảo ở khoảng cách 5 m khi thiết lập tại ISO 100.


Màn hình AMOLED của Samsung NX10 cho chất lượng hiển thị rất tốt, ngay cả dưới điều kiện nắng gắt. Giao diện của máy tuy không màu mè nhưng tương đối hiệu quả. (Ảnh: Dpreview).

Khoang chứa kính ngắm điện tử nhô lên khá nhiều so với mặt trên của máy nên trông NX10 có vẻ "hầm hố" hơn các phiên bản Micro Four Thirds của Panasonic và Olympus. Bù lại, kích thước viewfinder được tăng lên đáng kể. Độ phân giải của kính ngắm điện tử lên tới 921.000 điểm ảnh với hệ số phóng đại 0,86x và độ phủ 100%. Thử nghiệm thực tế cho thấy, EVF có tốc độ đáp ứng nhanh, tuy nhiên, độ nét và độ chân thực màu sắc chưa thật ấn tượng nếu so sánh với đối thủ Panasonic G1. Màn hình của NX sử dụng công nghệ AMOLED nổi tiếng của Samsung, kích thước 3 inch, độ phân giải 640 x 480 pixel (tương đương 614.000 điểm ảnh). Hãng cho biết, màn hình này có tốc độ quét nhanh hơn 3.000 lần so với LCD truyền thống và có hệ số tương phản lên tới 1.000:1. Thử nghiệm cho thấy, màn hình của NX10 cho chất lượng hiển thị rất tuyệt vời ngay cả dưới điều kiện nắng gắt vào buổi trưa. Các màu sắc của ảnh được thể hiện rất tươi tắn, đặc biệt là gam xanh lá cây và vàng chanh. Chính ưu thế về màn hình đã khiến việc ngắm ảnh sống (Live view) trên NX10 trở nên hấp dẫn ngay cả với dân chơi ảnh khó tính nhất.

Giao diện của máy dù không màu mè hay nhiều biểu tượng bắt mắt như các máy ảnh mới ra hiện nay nhưng hoạt động tương đối hiệu quả. Menu được chia thành các tab riêng biệt theo chiều ngang với mức độ ưu tiên từ trái qua phải. Việc thay đổi các thông số máy khá dễ dàng và nhanh chóng do không phải sử dụng kết hợp quá nhiều phím bấm. Bạn có thể làm quen với NX10 chỉ sau vài phút "táy máy" vì cơ chế điều khiển trong máy không khác nhiều một chiếc máy ảnh du lịch.

Samsung NX10 sử dụng cảm biến APS-C chế tạo theo công nghệ CMOS, độ phân giải 14,6 triệu điểm ảnh. Ảnh thu được khá nét nếu đủ sáng. Khả năng phân giải dòng cho file JPEG luôn ở mức 1.800 (ngang) và 2.000 (dọc). Đây là một con số khá ấn tượng nếu so sánh với các đối thủ cũng dùng cảm quang APS-C. Dưới điều kiện nắng gắt vào buổi trưa, máy cho ảnh có độ tương phản rất lớn. Mức bão hòa màu đo được trên NX10 vượt tới 17,8% so với mức trung bình của các máy SLR và SLD hiện nay khiến các vùng màu trên ảnh thường bị bết. Hiện tượng sai lệch màu sắc (vàng sậm chuyển vàng cam, vàng tươi chuyển xanh lục) đôi khi xảy ra khi chụp cận chân dung hoặc chụp macro. Cân bằng trắng tự động của máy hoạt động khá nghèo nàn khi nguồn sáng trở nên phức tạp. Ảnh rất ấm dưới ánh sáng đèn dây tóc nhưng lại hơi lạnh dưới ánh sáng ban ngày.


Khi lên tới ISO 1.600, nhiễu dạng kết tủa màu xuất hiện mạnh tại các vùng ảnh tối cho bởi NX10. Máy cũng hoàn toàn bó tay trong việc thể hiện các chi tiết nhỏ có độ tương phản lớn như sắc đen trên nền đỏ. Chất lượng ảnh tại các thiết lập ISO cao có thể so sánh được với các đối thủ Micro Four Thirds cảm biến nhỏ nhưng vẫn còn thua kém các đối thủ DSLR đến từ Canon và Nikon. (Ảnh: Imaging resource).

Các thử nghiệm trên file ảnh RAW của Imaging Resource còn phát hiện ra một lượng đáng kể điểm ảnh chết nằm gần những khu vực tương phản cao tại ISO 100. Với mức nhạy sáng cao hơn, các điểm ảnh chết này rất khó nhận ra do bị che khuất bởi nhiễu hạt. Khi lên tới ISO 1.600, nhiễu dạng kết tủa màu xuất hiện mạnh tại các vùng ảnh tối. Samsung NX10 hoàn toàn bó tay trong việc thể hiện các chi tiết nhỏ có độ tương phản lớn, chẳng hạn như sắc đen trên nền đỏ. Chất lượng ảnh tại các thiết lập ISO cao nhìn chung vẫn có thể chấp nhận được nhưng vẫn còn thua kém các đối thủ DSLR đến từ Canon và Nikon. Thuật toán khử nhiễu làm việc mạnh ngay tại ISO cơ sở còn khiến ảnh hơi mịn và mất chi tiết một cách khó hiểu.


Thuật toán khử nhiễu làm việc mạnh ngay cả tại ISO cơ sở (ISO 100) khiến ảnh JPEG hơi mịn và mất chi tiết một cách khó hiểu. (Ảnh: Imaging resource).

Samsung NX10 có tốc độ hoạt động khá nhanh nếu so với các đối thủ Micro Four Thirds. Tốc độ chụp liên tiếp của máy đạt tới 3,1 hình/giây, chỉ thua Olympus E-PL1 với 3,3 hình/giây. Lưu ý, độ phân giải mỗi bức ảnh của E-PL1 chỉ là 12,3 Megapixel. Thời gian khởi động khoảng 0,8 giây, rất ấn tượng với một model có kích thước khiêm tốn như NX10. Tốc độ lấy nét dựa trên cơ chế so sánh tương phản cũng khá nhanh. Máy chỉ mất chừng 0,4 giây cho một chu trình lấy nét toàn phần trên ống kit 18-55mm (thời gian từ lúc nhấn nút chụp cho tới khi chụp được bức hình đầu tiên). Mặc dù vậy, NX10 phải mất tới 4,1 giây để chờ hồi đèn nếu sử dụng công suất phát mạnh nhất. Lấy nét liên tục hơi ỳ và rất kém chính xác với những vật có tốc độ di chuyển cao. Tuy nhiên, đây cũng là những nhược điểm chung của dòng máy nhỏ gọn không gương lật.

Thử nghiệm thực tế cho thấy, ống kit NX 18-55mm OIS sở hữu chất lượng quang học rất tốt. Ảnh nét đều từ trung tâm ra sát biên. Hiện tượng sắc sai hầu như không đáng kể ngay cả khi chụp các vật thể có độ sáng mạnh. Méo ảnh hơi cao hơn mức trung bình một chút nhưng có thể sửa chữa dễ dàng nhờ phần mềm Samsung Raw Converter 3. Ống kính còn tích hợp cơ chế chống rung quang giúp thu được những thước chụp ổn định ngay cả trong điều kiện thiếu sáng.

Hiện bộ kit gồm thân máy và ống kính NX 18-55mm OIS đang được bán tại Việt Nam với giá 15.990.000 đồng. Ngoài ra, Samsung còn cung cấp thêm hai sự lựa chọn khác là ống kính prime 30mm f/2.0 và ống telezoom 50-200mm f/4.0-5.6 OIS.

Thứ Sáu, 18/06/2010 16:39
31 👨 218
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp