Sắm “dế” 2 sim 2 sóng đầy may rủi

Di động 2 sim 2 sóng rất ít hàng xịn, đa phần là hàng Trung Quốc ít tên tuổi, vì thế đã mua những hàng này phải chấp nhận may rủi.

Hiếm hàng xịn

Không hề khó khăn khi muốn tìm mua một chiếc điện thoại di động 2 sim 2 sóng. Đến bất kỳ cửa hàng bán ĐTDĐ nào cũng có thể được giới thiệu “cả một series”. Tuy nhiên, hầu hết đó là sản phẩm của các nhãn hiệu Trung Quốc rất xa lạ. Giá loại máy này chỉ trên dưới 1 triệu đồng. Phải chăng đây là nguyên nhân chính khiến điện thoại 2 sim 2 sóng bán tại thị trường Việt Nam vắng bóng các “đại gia” như Nokia, Motorola, Sony Ericsson…. Theo một nhân viên của Motorola, hiện Motorola cũng có loại điện thoại 2 sim nhưng không bán tại thị trường Việt Nam “vì nhiều nguyên nhân”. Trong khi đó, bà Nguyễn Phi Nhu, phụ trách truyền thông của Nokia, cũng cho biết Nokia không có sản phẩm 2 sim 2 sóng.

Có lẽ duy nhất tên tuổi Samsung được nhắc đến trong dòng điện thoại 2 sim 2 sóng tại Việt Nam, đó là sản phẩm Samsung D880. Thông tin trên trang web của Samsung cho biết đây là chiếc điện thoại 2 sim đầu tiên của hãng. D880 có thiết kế nắp trượt, hỗ trợ 2 SIM GSM, ngoài ra cũng có các tính năng như chụp ảnh 3.2MP, nghe nhạc, xem phim…. Giá máy khoảng trên 4,8 triệu đồng – một mức giá gấp đôi, gấp ba những mẫu điện thoại 2 sim 2 sóng khác đang có bán trên thị trường. Hiện Samsung có thêm mẫu điện thoại 2 sim 2 sóng khác là D780, tuy nhiên giá của chiếc điện thoại này cũng trên 4,4 triệu đồng. Theo giới thiệu, D780 là điện thoại dành cho doanh nhân, những người muốn sử dụng cùng lúc nhiều số. Máy có các tính năng giống với D880 nhưng có kiểu dáng dạng thanh kẹo thay vì trượt lên.

Q-Mobile, một nhãn hiệu của Trung Quốc, cũng là một tên tuổi đang được nhắc đến nhiều trong “giới điện thoại 2 sim 2 sóng”. Gần đây, Q-Mobile tung ra một số mẫu điện thoại 2 sim với mức giá “khá mềm”, chỉ trên dưới 1 triệu đồng, như Q-Mobile Q33 có thời gian thoại là 3 giờ, thời gian chờ là 220 giờ; F73 có thời gian thoại là 3 giờ, thời gian chờ là 250 giờ. Trong tháng 3/2009, Q-Mobile vừa giới thiệu mẫu điện thoại 2 sim 2 sóng Q26i và Q130.

Xác định tư tưởng: hên, xui

“Khi mua điện thoại 2 sim 2 sóng, nên xác định trước tư tưởng hên, xui và xác suất hư hỏng”, anh Trung, một người từng dùng “2 đời” điện thoại 2 sim 2 sóng cho biết. Bởi trên thị trường, ngoài một số rất ít những sản phẩm chất lượng, chính hãng, còn lại đa phần là hàng nhái với những tên tuổi lạ hoắc, chất lượng phập phù, mua về dùng một thời gian, âm thanh xuống cấp, 2 sim lúc lên 2 sóng, lúc 1 sóng và pin cũng kém dần.

Một số người dường như “quá ngán ngẩm” với điện thoại 2 sim 2 sóng đã khuyên mua 1 máy ĐTDĐ “nồi đồng cối đá” và sau đó đưa ra cửa hàng điện thoại nhờ thiệp ghép thêm sim. Tuy nhiên, cách này được cho là “sai lầm” vì sẽ không thể ổn định.

Theo ý kiến của anh Phạm Thanh Phong (Đà Nẵng), một người từng dùng điện thoại 2 sim 2 sóng, mua mặt hàng này rất dễ gặp “hàng Tàu nhái”, giá khá rẻ vì thế đắt rẻ không còn là mối quan tâm lớn của người mua nữa. “Thay vào đó là chất lượng, mà chất lượng thì phải mua về dùng một thời gian rồi mới biết. Vì thế, quan trọng là chế độ hậu mãi. Mặt hàng nào cũng có thể gặp cái không tốt nhưng phải trong giới hạn chịu đựng và khả năng sửa lỗi, bảo hành”, anh Phong nói. Kinh nghiệm của anh Phong khi mua loại điện thoại này là chọn hãng uy tín, có chế độ bảo hành rõ ràng. Ngoài ra, khi mua nên kiểm tra tem chính hãng của máy vì thường “hàng công ty chắc chắn sẽ có tem chính hãng đi kèm”. Một vấn đề rất quan trọng là khi mua nên thử lắp 2 sim và nghe gọi đồng thời để kiểm tra độ ổn định và chất lượng âm thanh của máy. Bởi nhiều loại điện thoại “mang tiếng” 2 sim 2 sóng nhưng chỉ được 1 sóng “online” hoặc rất chập chờn.

Thứ Ba, 07/04/2009 08:36
31 👨 921
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp