Gần đây, người tham gia giao thông trên đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP. HCM bất ngờ phát hiện dọc theo rào chắn bên đường được gắn một loạt những bánh xoay màu vàng. Nhiều tài xế cho rằng, những rào chắn bánh xoay này được lắp đặt tại tuyến đường thường xuyên xảy ra tại nạn. Vậy, công nghệ này đến từ đâu, tác dụng như thế nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Từ trước tới nay, trên đường giao thông vẫn được lắp đặt rào chắn bằng những thanh kim loại rắn chắc với mục đích ngăn phương tiện giao thông gặp tai nạn không bị văng khỏi đường hoặc khiến chúng lập tức dừng lại. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng có hiệu quả và vững vàng trước những vụ tại nạn.
Chính vì vậy, công ty Sáng kiến Phát triển Giao thông ETI của Hàn Quốc đã phát triển ra rào chắn bánh xoay hay còn gọi là hộ lan bánh xoay. Hệ thống rào chắn hiện đại này có tác dụng giảm tốc độ của xe, hấp thụ lực tạo ra bởi cú va chạm và biến nó thành năng lượng làm xoay các bánh xoay, đẩy xe tiếp tục trượt theo đường ray tránh bị bay khỏi đường hoặc đâm tung rào.
Với những ưu điểm đó, rào chắn bánh xoay thường được lắp đặt tại đường cao tốc, đường dốc, các khúc cua hẹp và nguy hiểm.
Rào chắn bánh xoay không chỉ đặc biệt ở các bánh xoay mà vật liệu tạo nên chúng cũng rất đáng chú ý. Các bánh xoay được làm bằng Ethylene-vinyl acetate (EVA), vật liệu dẻo, nhẹ hơn cao su và có tính đàn hồi rất tốt giúp cho các bánh xoay không dễ hỏng, chịu được nắng mưa và chống shock tốt.
Các bánh xoay có màu vàng giúp cảnh báo các tài xế rằng đây là đoạn đường hay xảy ra tai nạn và cần phải chú ý.
Trong trường hợp có xe va vào rào chắn, những bánh xoay sẽ chuyển đổi năng lượng va chạm thành năng lượng xoay.
Rào chắn bánh xoay được tạo thành từ các bộ phận riêng biệt nên khi xảy ra va chạm, chỉ cần thay những bộ phận bị hỏng chứ không cần thay cả một đường rào dài như trước giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Dưới đây là một số video thử nghiệm va chạm xe 4 chỗ và xe bán tải với rào chắn bánh xoay, mời các bạn theo dõi.
Công nghệ hộ lan bánh xoay này đã được thử nghiệm tại nhiều nước trên thế giới như Malaysia, Úc, Mỹ… và được đánh giá là một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay để giảm tính thảm khốc của một vụ tai nạn giao thông. Hiện nay, công nghệ này đã xuất hiện tại Việt Nam dù vẫn mang tính thử nghiệm nhưng chắc chắn chẳng ai tha thiết, mong mỏi kiểm tra tính hiệu quả của nó trong một vụ tai nạn cả.