Nhiều người cho rằng việc ngủ trong ô tô bật điều hòa cũng giống như việc ngủ trong phòng, không có gì nguy hiểm. Vậy, sự thật là gì, mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Vào mùa hè, giữa trời nóng mà nhà bị cắt điện hoặc khi mệt mỏi sau một hành trình dài, nhiều người thường chọn bật điều hòa ô tô và ngủ trong đó. Tuy nhiên, ô tô là một không gian nhỏ, nếu bạn chỉ chợp mắt một lúc vì mệt mỏi hoặc buồn ngủ thì được, còn nếu ngủ trong ô tô bật điều hòa nhiều giờ liền hoặc cả đêm thực sự nguy hiểm.
Vì sao không nên ngủ hàng giờ trong ô tô bật điều hòa?
Trong quá trình làm lạnh, hệ thống điều hòa trên ô tô sử dụng hai chế độ lấy gió gồm lấy gió trong và lấy gió ngoài. Chế độ lấy gió trong chỉ lấy khí tuần hoàn trong khoang lái nên làm mát nhanh hơn. Chế độ lấy gió ngoài mang được luồng khí ngoài trời giàu oxy hơn vào trong xe nhưng làm mát chậm hơn.
Chính vì vậy, nếu xe sử dụng chế độ lấy gió trong quá lâu sẽ khiến dưỡng khí trong xe bị thiếu hụt, ngột ngạt. Khi đó, cần mở cửa sổ hoặc bật chế độ lấy gió ngoài.
Trên hầu hết các mẫu ô tô đời mới, ngay cả khi bạn bật chế độ lấy gió trong, sau một khoảng thời gian nhất định hệ thống điều hòa sẽ tự động lấy gió ngoài để tăng dưỡng khí bên trong xe.
Tuy nhiên, vì xe dừng một chỗ nên không khí bao quanh xe sẽ có nồng độ khí CO cao do chủ yếu là khí thải từ ống xả. Người ngủ trong ôtô hít phải khí CO có thể bất tỉnh, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, xe bật điều hòa dừng một chỗ quá lâu sẽ có nguy cơ hết xăng hoặc hệ thống làm mát cưỡng bức không hoạt động khiến động cơ dễ bị nóng lên quá mức, dẫn đến điều hòa dừng hoạt động. Khi đó, bên trong xe sẽ dần hết dưỡng khí, người ngủ có thể lịm dần và tử vong.
Cần lưu ý gì khi ngủ trên ô tô?
- Đỗ xe nơi thông thoáng và râm mát.
- Vào mùa hè, nếu ngủ trong ô tô bật điều hòa hãy mở hé cửa kính khoảng 1,5-2,5cm để lấy thêm dưỡng khí.
- Hãy đặt chuông báo thức liên tiếp 15-30-45-60 phút để không ngủ quên trên xe quá lâu, tránh trường hợp bạn vô thức tắt chuông ngủ tiếp khi quá mệt hoặc buồn ngủ.