91% các nhà quản lý công nghệ tin rằng AI sẽ là trung tâm của cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo

Mới đây, trung tâm chuyên môn AI của Edelman - tập đoàn lớn trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông, đã tiến hành một cuộc khảo sát thực tế đối với hơn 1.000 người dân Hoa Kỳ, và 300 giám đốc điều hành hiện đang giữ vai trò quản lý rong các công ty công nghệ lớn. Tổng hợp và phân tích kỹ lưỡng từng câu trả lời, các chuyên gia của Edelman nhận thấy rằng hơn 60% công chúng và 54% các giám đốc điều hành công nghệ nghĩ rằng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cần phải được quy định, có phương hướng triển khai để đảm bảo sự phát triển của ngành công nghệ nói riêng, và toàn nhân loại nói chung.

Cụ thể hơn, Edelman Artificial Intelligence là một cuộc khảo sát được thực hiện nhằm khám phá các vấn đề xung quanh lĩnh vực AI, từ những mặt tích cực rõ ràng mà AI tác động lên việc chăm sóc sức khỏe, y tế, cho đến những lo ngại về vấn đề đạo đức khi công nghệ này được áp dụng rộng rãi.

“Chúng tôi nhận thấy rằng hầu như tất cả mọi người đều tò mò về những lợi ích thực sự của AI, tuy nhiên vẫn có những sự hoài nghi và lo lắng đáng kể về việc sử dụng AI có thể dẫn đến mất việc làm trên diện rộng, bất bình đẳng trong thu nhập và trên tất cả là vấn đề quản lý xã hội”, Sanjay Nair, chuyên gia chịu trách nhiệm về cuộc khảo sát chia sẻ.

Edelman

Theo các nhà phân tích của Edelman, nhìn chung, những người dân bình thường có xu hướng hoài nghi hơn về AI so với các nhà quản lý công nghệ hàng đầu khi nói đến tác động trong tương lai của công nghệ này đối với mọi lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt là vấn đề việc làm. Cụ thể hơn, khoảng 54% những người dân thường được hỏi tin rằng AI sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến người nghèo, trong khi đó suy nghĩ này chỉ chiếm khoảng 43% trong số các giám đốc điều hành tham gia khảo sát. Đồng thời đa số tin rằng tự động hóa và các hình thức công nghệ hạn chế người lao động khác sẽ có lợi hơn cho giới nhà giàu.

Các con số này ít nhiều phù hợp với những thống kê đã được thực hiện trước đó. Diễn đàn kinh tế thế giới, PricewaterhouseCoopers, Gartner và Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey dự đoán rằng AI sẽ “chiếm đoạt” tới 75 triệu việc làm vào năm 2025, và đồng thời giảm tỷ lệ người làm việc liên quan đến những lĩnh vực kỹ thuật số cơ bản từ 40% xuống 30% vào năm 2030, khi nhu cầu đối với công việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn tăng lên. Hơn nữa, McKinsey cũng đã dự báo rằng những thay đổi đối với thị trường lao động sẽ dẫn đến mức tăng khoảng 1.2% trong sự tăng trưởng về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong 10 năm tới, và đồng thời giúp nhân loại thu thêm từ 20 đến 25% lợi ích kinh tế ròng (tương đương với khoảng 13 nghìn tỷ đô la tính trên toàn cầu) trong vòng 12 năm tới.

 AI sẽ là trung tâm của cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo

Nhìn chung, đa phần những người được hỏi đều tin rằng AI sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các ngành công nghiệp. Trong đó, rõ rệt nhất sẽ là ở các lĩnh vực như công nghệ sinh học, khoa học đời sống, viễn thông, sản xuất, năng lượng, chăm sóc sức khỏe, giao thông và cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, bán lẻ và dịch vụ tài chính.

Bên cạnh đó, các giám đốc điều hành cũng hoàn toàn lạc quan về triển vọng của AI so với những người dân bình thường. Cụ thể, có 51% các nhà quản lý công nghệ cảm thấy “phấn khích” khi nghĩ về tương lai của thế giới với sự tác động toàn diện của AI, trong khi con số này đối với người bình thường chỉ là 31%. Mặt khác, 33% người dân thấy “lo lắng” về tác động tiêu cực của AI, trong khi chỉ có 28% các nhà quản lý công nghệ cũng nghĩ như vậy. Đặc biệt, có đến 9 trên 10 thành viên thuộc C-suite (nhóm quản lý cao nhất của một công ty và được đặt tên theo chữ cái đầu "c", chẳng hạn như Giám đốc điều hành (CEO), Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Tài chính CFO)) đã mô tả AI là sẽ là hạt nhân quan trọng nhất trong cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo của nhân loại, và đồng thời cũng có đến 8 trên 10 người dân được hỏi đồng tình với nhận định này, bất chấp những mối lo ngại về vấn đề việc làm và đạo đức xã hội.

33% người dân thấy “lo lắng” về tác động tiêu cực của AI

Như vậy có thể thấy rằng đa số những người mà Edelman khảo sát đều tin chắc rằng AI sẽ dẫn đến sự xuất hiện của nhiều mô hình cải tiến sâu rộng, có thể kể đến như hợp lý hóa sản xuất và cải thiện việc đưa ra quyết định kinh doanh. Cụ thể, 94% giám đốc điều hành công nghệ và 85% người dân nghĩ rằng AI sẽ giúp tạo ra những ngôi nhà thông minh sáng tạo, và hơn 74% nói rằng công nghệ này sẽ thay đổi toàn hiện ngành công nghiệp ô tô sang hướng tự động hóa và xe tự hành với nền móng hiện tại chính là các công ty như Waymo, Uber, GM Cruise và nhiều doanh nghiệp tiềm năng khác.

Ngoài ra, đa số cũng đồng ý rằng AI sẽ có tác động tích cực đến chất lượng cuộc sống. Khoảng 91% các giám đốc điều hành và 76% công chúng nhìn chung đều phần nào đó hoặc hoàn toàn đồng ý rằng một số nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm hiện nay sẽ được chuyển sang cho máy móc, từ đó góp phần giúp cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung. Bên cạnh đó, AI cũng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của con người bằng cách giúp chúng ta sống lâu hơn và được chăm sóc kỹ lưỡng hơn thông qua các thiết bị nhà thông minh. Tuy nhiên, đa số những người được hỏi (65% CEO, 75% người dân) tin rằng điều đó cũng sẽ dẫn đến sự cô lập nghiêm trọng hơn trong cuộc sống, mọi người sẽ ít tương tác với nhau hơn, cũng như việc AI sẽ làm giảm sự sáng tạo và tự do trong suy nghĩ.

Do đó, gần 60% người dân nói chung và 54% giám đốc điều hành cho rằng các chính sách hướng dẫn phát triển AI, nên được áp dụng và triển bởi cơ quan quản lý nhà nước, trong khi ít hơn 20% (15% và 17%) cho rằng ngành công nghiệp này có thể tự điều chỉnh theo xu hướng phát triển toàn cầu. Đồng thời, 63% số người được hỏi, cho rằng các công ty công nghệ sẽ phải chứng minh được rằng AI sẽ cải thiện cuộc sống, tạo công ăn việc làm và cụ thể hóa cách thức cải thiện nền kinh tế địa phương và quốc gia như thế nào. Và hơn 70% nói rằng các công ty công nghệ cũng cần phải có nghĩa vụ sử dụng AI để cải thiện xã hội, cũng như hậu quả lâu dài mà nó có thể gây ra.

Hơn 70% nói rằng các công ty công nghệ cũng cần phải có nghĩa vụ sử dụng AI để cải thiện xã hội, cũng như hậu quả lâu dài mà AI có thể gây ra.

Theo ông Kay Firth-Butterfield, người đứng đầu về trí tuệ nhân tạo và học máy tại Diễn đàn kinh tế thế giới thì nghiên cứu này của Edelman đã vẽ ra cho chúng ta một bức tranh vừa sâu rộng, vừa chi tiết, và đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề sâu sắc mà nhân loại cần phải chung tay giải quyết. Từ đó, rõ ràng doanh nghiệp và chính phủ cần phải suy nghĩ thấu đáo và đưa ra phương án hành động đúng đắn trong nhiều vấn đề để đảm bảo các tác động có thể gây của AI không khiến xã hội mất đi những lợi ích mà rõ ràng có thể tích lũy được từ công nghệ. Vấn đề then chốt vẫn là ở chỗ nhân loại phải nhận thức được các yếu tố rủi ro liên quan đến loại hình chuyển đổi công nghệ này, đồng thời tạo ra một môi trường nơi các lợi ích có thể được lan truyền một cách tương xứng và toàn diện trong toàn xã hội.

Thứ Năm, 28/03/2019 14:18
52 👨 280
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Trí tuệ nhân tạo (AI)