Một thời vật lộn “dotcom”

Ngày trước, nói đến website, người ta kể những câu chuyện cháy bỏng của người trẻ muốn làm chủ không gian số, muốn cống hiến hết khả năng của mình cho cộng đồng mạng.

Ngày nay, người ta lại hay quan tâm rằng website đó đang được ai đầu tư, bao nhiêu tiền, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế nào… Cái thuở “anh hào” ngày ấy đâu rồi? Nhịp sống số kéo ghế ngồi cà phê trực tuyến với ba nhân vật “ngày ấy - bây giờ” cùng những trăn trở về cuộc sống của web…

* Nhiều người than phiền những tài năng trẻ công nghệ thông tin, những ông chủ, bà chủ của những website lừng lẫy giang hồ một thuở giờ biến mất tiêu. Anh có biết họ đi đâu không? Vì sao lại thế?

Vũ Kiêm Văn - giám đốc Công ty truyền thông VSMC (chủ trang web www.accvn.net):

Làm về dịch vụ trực tuyến có câu “Trăm kẻ làm một người thành công”, vì vậy những người chưa thành công chiếm phần đông đấy phải đi ẩn náu ở đâu đó, hẹn ngày trở lại. Ở một khía cạnh khác, nhiều cựu “ông chủ”, “bà chủ” của những website nhận ra lĩnh vực này quả không dễ xơi như họ tưởng, nên quyết định chuyển sang ngành khác.

Phùng Tiến Công - giám đốc Công ty CP Truyền thông InterMedia (chủ trang web www.noi.vn):

Nếu xét về thời điểm, CNTT vào VN và thị trường dotcom bùng nổ rơi vào tầm tuổi 20-25 của những người trẻ sinh khoảng năm 1980-1985. Hiện nay họ đã sắp 30, đã bước qua cái thời “anh hùng” vùng vẫy, bước vào giai đoạn tích lũy kiến thức và bắt đầu chủ động “chìm”. Nếu xét về kinh tế, ngành dotcom vật lộn với cuộc sống mưu sinh mất gần năm năm qua, rất vất vả. Nhiều người không còn đủ lực để tiếp tục cuộc chơi, nhiều người có những con đường khác nhiều thảm đỏ hơn nên đành hi sinh đam mê một thuở.

* Cách đây năm năm, hàng loạt website ra đời và tạo những hiệu ứng xã hội đầy ngoạn mục: chametainang.com, nhacso.net, anh2.net… Công thức chung của những không gian ảo này là ăm ắp ý tưởng, đầy đam mê và… thật ít tiền. Mọi người xắn tay áo vào làm, chỉ để thỏa mãn khát vọng làm chủ không gian số của mình. Bây giờ, hầu hết website mới ra đời đều chờ vào sự tham gia của các quỹ đầu tư hoặc tìm kiếm một “đại gia” để đỡ đầu. Anh nghĩ gì về việc này?

Bạch Hồng Sơn - tổng giám đốc Công ty AlphanamICT:

Câu trả lời là vốn. Nói rằng “Đầu tư vào các công ty dotcom chỉ cần vốn ít” là không đúng. Thực tế cho thấy để có một ý tưởng, tạo ra vật mẫu thì chi phí không cao, cơ hội nhiều. Nhưng để nó trở thành một sản phẩm, một dịch vụ tốt thì cần đầu tư tương đối lớn, mà nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn của những người “ít tiền” thì rất khó. Anh em có niềm đam mê, có sự nhiệt huyết và rất tài năng, nhưng khi website lên đến tầm nào đó thì việc không đơn giản chỉ có niềm đam mê là đủ.

Vài con số nhé: Một dịch vụ bình thường thôi cũng cần khoảng 4 server, ít ra cũng mất 6.000USD, tiền duy trì đường truyền hằng tháng, thuê chỗ mỗi tháng cũng ngốn tầm 1.000USD (chưa kể đội ngũ duy trì làm nội dung, marketing, PR...). Vậy lấy gì để nuôi niềm đam mê đây? Do đó, hoặc là họ phải tìm ra những nhà đầu tư “angel investor”, hoặc chí ít cũng phải có nghề tay phải để nuôi những đam mê đó.

Vũ Kiêm Văn: Vấn đề này nên nhìn nhận hai mặt. Thứ nhất, để một website thành công thì cần phải có thời gian đầu tư và tích lũy dài (trung bình 2-5 năm). Quy luật đào thải của Internet khắc nghiệt đến nỗi kể cả những website đình đám nếu không có nguồn lực để đổ vào tiếp, nó cũng sẽ nhanh chóng đi vào dĩ vãng.

Ở mặt khác, các nhà đầu tư cũng coi đầu tư vào dịch vụ trực tuyến là hướng đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất, điều này được minh chứng bằng những thực tế đã diễn ra ở hầu hết quốc gia trên thế giới.

* Theo anh, những điều kiện và công thức để chúng ta có những Yahoo!, Google… made in VN là gì?

Bạch Hồng Sơn: Theo ý kiến cá nhân tôi, chính những lối suy nghĩ này sẽ giết chết chúng ta. Trung Quốc có baidu, nhưng baidu khai thác được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ nước ngoài là ngôn ngữ, và có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ với việc kiểm soát rất tốt. Chúng ta không có những điều kiện như vậy. Và suy nghĩ cứ phải làm giống nước ngoài vô hình trung biến chúng ta thành người chạy theo mà mãi không tốt bằng họ. Chỉ cần một động thái của họ, ví dụ: Google có tiếng Việt, Yahoo! có bản Việt hóa thôi cũng đã bóp chết nhiều website ở VN rồi...

Theo tôi, cần phải đặt câu hỏi “Giá trị mang lại là gì?”. Nếu thật sự anh mang lại những giá trị thật sự tốt hơn, chí ít là bằng, nhiều người dùng được hơn thì rõ ràng người dùng sẽ đến với anh.

* Để miêu tả tình hình các website VN hiện nay trong năm câu, bạn sẽ nói gì?

Vũ Kiêm Văn: Mọc lên như nấm, một bộ phận không nhỏ đang làm theo trào lưu. Chưa có ý tưởng đột phá, chủ yếu đang khai thác những ý tưởng đã thành công ở nước ngoài. Nguồn lực không đồng đều, có những website được đầu tư vô hạn nhưng cũng có những website rất eo hẹp nguồn lực. Sử dụng mọi cách thức để hút người truy cập. Hầu hết vẫn đang loay hoay tìm nguồn thu.

Thứ Năm, 25/09/2008 08:51
31 👨 151
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp