Yahoo mất tầm nhìn

Trước khi phải từ bỏ chiếc ghế CEO của Yahoo do bị hội đồng quản trị sa thải, trong 2 năm rưỡi điều hành, bà Carol Bartz đã cố gắng vực Yahoo dậy được phần nào. Nhưng vẫn còn rất khó để Yahoo có thể thay đổi được tình hình bết bát hiện nay.

>>> Yahoo sa thải CEO

Yahoo mất tầm nhìn
Trang tin được "địa phương hoá" của Yahoo vẫn còn là điểm cộng, nhưng vẫn chưa thể "trói" người dùng Internet vào với Yahoo được.

Còn nhớ cách nay đúng 10 năm, địa chỉ email đầu tiên của người viết bài này là từ Yahoo và lúc bấy giờ số lượng dịch vụ email miễn phí chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chủ yếu là Yahoo và Hotmail của Microsoft. Riêng tại VN thì Yahoo vẫn là "số 1".

Tuy nhiên, sau 10 năm, Yahoo đã dần dần tụt dốc. Thực sự, Yahoo không tụt dốc mà họ đang "bước đều bước", không có nhiều thay đổi, cải tiến thực sự trong sản phẩm, dịch vụ. Do đó, trong thị trường CNTT khốc liệt này, họ đã bị qua mặt dần dần bởi những cái tên như MSN, Skype, Gtalk, eBuddy, FaceTime... Thậm chí, dịch vụ tin nhắn có thể xem như "con bài chính" của họ lại chỉ được xem như một tính năng trong các mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến khác. Yahoo chỉ vẫn đứng đó, vẫn bán quảng cáo một cách rất "truyền thống" trên ứng dụng tin nhắn và email của họ. Điều Yahoo làm được là ứng dụng chat Yahoo tương thích được với phần lớn thiết bị di động hiện nay và nói đến thương hiệu Yahoo, mọi người nghĩ ngay đến 2 dịch vụ miễn phí: email và chat.

Nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ. Dưới thời bà Bartz, Yahoo được vực dậy bằng cách tái cơ cấu tổ chức, cắt giảm mạnh tay (như sa thải vài ngàn nhân viên) và loại bớt một số dịch vụ ít hiệu quả như Delicious và MyBlogLog. Dĩ nhiên, Yahoo ít thua lỗ hơn, thậm chí doanh thu có tăng (như năm đầu dưới quyền bà Bartz tăng 43%, năm thứ 2 tăng 105%), nhưng thay vào đó, bà không "được lòng" nhân viên và các dịch vụ mới không thực sự thu hút được người dùng.

Theo Glassdoor.com, chỉ có 33% nhân viên ủng hộ bà. Một điều đáng nói nữa là trái hoàn toàn với cựu CEO Steve Jobs của Apple luôn có trong đầu nhiều ý tưởng đầy sáng tạo và là người có tầm nhìn, bà Bartz chỉ xuất sắc giải quyết vấn đề tồn tại, thiếu đi một chiến lược kinh doanh rõ ràng, táo bạo. Chỉ cần lý do này thôi cũng khiến chiếc ghế CEO của Yahoo cần một người mới thay thế.

Chưa đề cập đến việc Yahoo tới đây rồi sẽ ra sao, nhưng trong quá khứ, rõ ràng họ đã đi nhiều nước cờ sai lầm. Họ đã từng có dịch vụ blog và mạng xã hội khá phổ biến, ít ra là ở VN, nhưng họ lại không chú trọng nhiều đến nó. Họ từng có dịch vụ tìm kiếm, cạnh tranh trực tiếp với Bing và Google nhưng cuối cùng để thất thế phải hợp tác với Microsoft. Hồi năm 2006, Yahoo cũng từng trả mức giá 1 tỉ USD để mua lại Facebook nhưng Mark Zuckerberg từ chối. Và đáng tiếc nhất là vào năm 2008, Microsoft từng trả mức giá 44 tỉ USD để mua lại Yahoo nhưng ông Jerry Yang, người đồng sáng lập Yahoo, lại khước từ lời đề nghị này.

Cho đến nay, giá trị của Yahoo chắc chắn không tới được mức giá trên. Và kết quả là Microsoft đã mua lại Skype với mức giá thấp hơn nhiều (8,5 tỉ USD). Nếu Yahoo vào tay Microsoft thì có lẽ Yahoo sẽ có được nhiều thứ lợi hơn là họ đứng một mình và không biết tập trung vào mảng dịch vụ, sản phẩm nào. Đó là vì Microsoft có đội ngũ kỹ sư đầy sáng tạo, có nền tảng tốt và rộng, có tầm nhìn rõ ràng. Có thể thời gian tới, Yahoo sẽ "khóc" khi Microsoft nâng cánh cho Skype bước lên.

Còn sắp tới, Yahoo sẽ như thế nào? Chưa ai biết chắc được và ban quản trị Yahoo có lẽ đang tất bật tìm một CEO khác thay cho bà Bartz. Tuy nhiên, dù có tìm được một CEO tài giỏi cách mấy chăng nữa thì vẫn còn rất khó cho Yahoo phục hồi, ít nhất là vài năm nữa. Để kéo người dùng trở lại với mình, Yahoo cần có một dịch vụ thật sự mang tính "cách mạng" thì mới có thể cạnh tranh được với các dịch vụ khác mọc lên như nấm như lúc này.

Yahoo không mấy được biết tiếng tại Mỹ và châu Âu nhưng với châu Á lại khác. Yahoo cần phải tập trung hơn nữa vào người dùng hiện có của mình trước khi "lấn sang" những thị trường khác. Yahoo đang còn giữ một "lá bài" quan trọng, đó là người dùng hiện có của họ không chuyển sang dịch vụ khác vì đơn giản một lý do: họ còn nhiều bạn bè cùng sử dụng dịch vụ. Nếu Yahoo để người dùng chuyển hết sang các dịch vụ khác như Facebook, Gtalk, Skype... thì chắc chắn một ngày không xa, Yahoo khó lòng tồn tại.

Thứ Năm, 08/09/2011 15:56
51 👨 195
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp