Bên cạnh cấu hình cụm camera cũng như khả năng chụp ảnh ở điều kiện thiếu sáng, cách thức thiết kế cụm camera trước sao cho hợp lý nhất cũng đang trở thành cuộc cạnh tranh đáng chú ý trong thế giới smartphone. Chúng ta đã được thấy màn hình “tai thỏ”, “giọt sương”, “đục lỗ” hay camera “pop-up”... tất cả chỉ để giấu đi phần camera và cảm biến ở mặt trước theo cách tối ưu nhất, nhằm tạo ra một tấm nền không viền theo đúng nghĩa đen.
Giải pháp mới sắp được ứng dụng đại trà trong thế giới smartphone thời gian tới sẽ là camera ẩn phía dưới tấm nền mà không chiếm bất kỳ khoảng trống nào trên màn hình. Dẫn đầu xu thế này đang là các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc, trong đó có ZTE, Oppo và đặc biệt là Xiaomi.
Xiaomi hôm nay đã chính thức giới thiệu công nghệ camera dưới màn hình thế hệ thứ ba hoàn toàn mới với nhiều cải tiến quan trọng, cho phép tạo ra một chiếc điện thoại thông minh có màn hình “full-view” theo đúng nghĩa đen, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng ảnh chụp ở mức tốt, không thua kém camera “lộ thiên” thông thường. Trên thực tế, công nghệ ẩn camera dưới màn hình cho điện thoại thông minh đã được Xiaomi lần đầu tiên giới thiệu vào tháng 6 năm ngoái. Nhưng lúc bấy giờ công nghệ này vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng ảnh chụp, khiến Xiaomi chưa thể trang bị trên các sản phẩm thương mại.
Ở thế hệ thứ ba này, nhà sản xuất smartphone Trung Quốc cho biết họ đã "cải thiện đáng kể" hiệu ứng toàn màn hình thông qua việc sắp xếp pixel tùy chỉnh kết hợp thuật toán camera được tối ưu hóa để mang lại hiệu suất tương tự như các hệ thống camera trước thông thường trên điện thoại thông minh hiện nay.
Về lý thuyết, trong công nghệ ẩn camera dưới màn hình, cảm biến ảnh sẽ được đặt nằm phía dưới màn hình OLED trong suốt. Tấm nền này vẫn có thể hoạt động như một màn hình bình thường, nhưng khi người dùng kích hoạt camera selfie, nó sẽ cho phép đủ lượng ánh sáng xuyên qua để cảm biến máy ảnh bên dưới có thể hoạt động được.
Ý tưởng là như vậy, tuy nhiên công nghệ này đang phải đối mặt với một vấn đề lớn, đó là nhiễu xạ từ cấu trúc pixel của màn hình có thể làm giảm chất lượng ảnh chụp, khiến hình ảnh bị mờ, giảm độ tương phản, giảm mức ánh sáng có thể sử dụng và thậm chí làm biến mất hoàn toàn một số chi tiết trong bức ảnh. Mức độ nghiêm trọng của vấn đề tùy thuộc vào thiết kế pixel hiển thị của màn hình.
Công nghệ sắp xếp pixel “phát triển tùy chỉnh” được Xiaomi sử dụng ở thế hệ thứ ba này cho phép ánh sáng dễ dàng đi xuyên màn hình thông qua các khoảng trống năm trên các pixel, trong khi bố cục subpixel RGB cho từng pixel riêng lẻ vẫn được giữ nguyên, do đó đảm bảo chất lượng hiển thị của màn hình không bị ảnh hưởng. So với các giải pháp khác trên thị trường hiện nay, Xiaomi đã tăng gấp đôi số lượng pixel theo chiều ngang và chiều dọc, nhờ đó mật độ pixel phía trên khu vực camera hoàn toàn đồng nhất với các khu vực khác của màn hình.
Chưa dừng lại ở đó, Xiaomi cũng đã phát triển một thiết kế mạch đặc biệt cho phép ẩn nhiều thành phần hơn dưới các subpixel RGB, từ đó tăng khả năng truyền ánh sáng đến camera dưới màn hình. Tổng hợp lại, các cải tiến nêu trên giúp mang lại chất lượng hình ảnh tương tự như camera selfie truyền thống, khiến giải pháp mới nhất trở nên "gần như hoàn hảo".
Theo kế hoạch, mẫu điện thoại thông minh đầu tiên của Xiaomi sử dụng công nghệ camera dưới màn hình thế hệ thứ ba này sẽ ra mắt vào trong năm 2021. Hãy cùng chờ xem.