Mới đây, hãng nghiên cứu Strategy Analytics đã công bố bản thống kê thị trường smartphone quý II/2014. Ngoài việc Xiaomi giành vị trí là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 5 dù không tham gia vào thị trường toàn cầu, còn một thông tin đáng chú ý khác là hệ điều hành Android đang giữ tới gần 85% thị phần thế giới.
Theo đó, Android đang là ông vua của thị trường smartphone khi nắm giữ tới 84,6% thị trường. Trong quý II/2013, hệ điều hành di động của Google "chỉ" dành được 80,2% thị phần, cho thấy Android đang tiếp tục phát triển vững mạnh. Cụ thể, có tới 249,6 triệu thiết bị Android được bán ra trong quý vừa rồi, tăng mạnh từ 186,8 triệu thiết bị cùng kì năm ngoái.
Trong khi đó, hệ điều hành iOS của Apple đang có mặt trên 11,9% tổng số smartphone được bán ra trong quý II, giảm nhẹ từ 13,4% của năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số của Apple lại tăng từ 31,2 triệu máy của quý II/2013 lên 35,2 triệu máy trong năm nay, kéo theo lợi nhuận tăng lên. Apple cũng là công ty điện thoại duy nhất không phụ thuộc vào Android.
Trái ngược với iOS và Android, tình hình quý vừa rồi không mấy khả quan với Windows Phone. Một năm trước, hệ điều hành này vẫn giữ 3,8% thị phần nhưng đã tụt xuống chỉ còn 2,7% trong năm nay. Đây là một hồi chuông cảnh báo với Microsoft. Việc các thiết bị Nokia X đang chạy Android sẽ chuyển sang sử dụng Windows Phone được cho là để tăng sự hiện diện của Microsoft trên phân khúc giá rẻ. Cùng chung cảnh ngộ, BlackBerry đang ở rất gần mốc "tuyệt chủng" khi chỉ có được 0,6% thị phần, giảm mạnh từ 2,4% của năm 2013.
Neil Mawston, giám đốc của Strategy Analytics cho biết: "Giống như thị trường PC, Android đang gần như biến smartphone trở thành sân chơi của riêng mình. Dịch vụ giá rẻ và phần mềm thân thiện với người dùng đã hấp dẫn các hãng sản xuất điện thoại, nhà mạng di động và người tiêu dùng khắp thế giới".
Tuy nhiên, sự thống trị của Android không phải là không có mặt xấu. Việc Android chiếm quá nhiều thị phần đã thu hút sự chú ý của Ủy ban châu Âu. Các nhà chức trách EU đang chuẩn bị một danh sách gồm 40 câu hỏi để đưa cho các hãng sản xuất điện thoại nhằm điều tra xem, liệu Google có cấm họ cài đặt các ứng dụng cạnh tranh với dịch vụ của Google lên các thiết bị Android hay không. Hiện tại, Google yêu cầu các hãng di động phải cài đặt các ứng dụng như Maps, Gmail, v.v. nếu muốn sử dụng dịch vụ Play của công ty, trừ khi họ muốn đi theo con đường của Kindle Fire hay Nokia X.
Ngoài ra, EC cũng yêu cầu thu thập các thông tin liên lạc trong vòng 7 năm qua. Cuộc điều tra chính thức dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9.