Giao thức Wi-Fi đầu tiên được giới thiệu vào năm 1997. Trải qua 21 năm, nó đã được thay đổi và cập nhật nhiều lần với nhiều tiêu chuẩn và tên gọi khác nhau nhưng hầu hết người dùng đều chỉ gọi chúng với một cái tên chung là Wi-Fi.
Tổ chức giám sát việc chấp nhận các tiêu chuẩn mới cho Wi-Fi, Liên minh Wi-Fi (Wi-Fi Alliance) đã liên tục triển khai các tính năng mới và cải thiện giao thức mạng không dây. Cải tiến tiếp theo của giao thức mạng không dây với nhiều thay đổi về cả tốc độ, băng thông và đặc biệt là tên gọi sẽ được áp dụng vào năm sau.
Theo đó, phiên bản Wi-Fi kế tiếp sẽ được gọi là Wi-Fi 6 chứ không còn là tên gọi đậm chất kỹ thuật như 802.11ab hay 802.11n. Có vẻ đây không phải là một vấn đề lớn nhưng là nó sự thay đổi đáng kể với những người đã từng cố giải thích cho người khác hiểu rằng tại sao họ cần nâng cấp bộ định tuyến và phiên bản 802.11ac không giống như 802.11g, hoặc 802.11n, hoặc 5GHz tốt hơn 2.4GHz...
Với việc thay đổi tên gọi, giờ đây người dùng sẽ chỉ cần nhớ rằng Wi-Fi 6 mới hơn và tốt hơn Wi-Fi 5, tốt hơn Wi-Fi 4... So với các thông số phức tạp thì khái niệm này dễ hiểu và đơn giản hơn đối với người dùng phổ thông dù mỗi cập nhật sẽ đi kèm nhiều cải tiến khác nhau.
Về mặt kỹ thuật, Wi-Fi 6 đề cập tới các thiết bị hỗ trợ chuẩn 802.11ax. 802.11ax nhanh hơn khoảng 4 lần so với chuẩn hiện tại là 802.11ac giúp mang lại tốc độ cực đại 3,5 Gb/giây kèm theo đó là những cải tiến về công suất hoạt động. Nhờ vào việc sử dụng các công nghệ như 8x8 MU-MIMO, kĩ thuật điều chế phân chia theo tần số trực giao (OFDMA), bổ sung thêm ăng-ten giúp hiệu suất làm việc trong những môi trường cần phục vụ nhiều người dùng một lúc như sân vận động, nhà ga… đạt hiệu quả cao và nhất quán hơn.
Ngoài ra, Wi-Fi 6 còn khắc phục các khuyết điểm của mạng Wi-Fi hiện tại như hiện tượng tắc nghẽn và giao thoa. Ví dụ như với chuẩn 802.11ac, nếu chỉ có một vài người dùng thì có thể nhận được lưu lượng thực tế vượt quá 300 Mb/giây nhưng khi lượng thiết bị cùng truy cập lên tới còn số 10 thì băng thông sẽ gặp vấn đề. Và khó khăn này sẽ được Wi-Fi 6 giải quyết.
Vào năm 2019, trên thị trường sẽ chính thức xuất hiện các thiết bị theo chuẩn Wi-Fi 6. Nhưng để điện thoại thông minh và máy tính xách tay áp dụng tiêu chuẩn Wi-Fi 6 như thiết lập mặc định thì sẽ cần thêm một vài năm nữa.
Xem thêm: