WDS Relay và WDS Remote khác nhau như thế nào?

Đã bao giờ bạn tự hỏi sự khác nhau giữa WDS Relay và WDS Remote là gì chưa? Có thể hiểu một cách đơn giản như sau:

WDS (wireless distribution system) là một hệ thống phân phối tín hiệu không dây, cho phép bạn tạo một mạng lưới các điểm truy cập (access point) hoạt động đồng bộ hoàn toàn với nhau mà không cần phải sử dụng đến dây kết nối. Nói cách khác, các thiết bị này sẽ giao tiếp không dây với nhau. Các thiết bị WDS có thể hoạt động như một WDS Relay hoặc một WDS Remote. Do vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa WDS Relay và WDS Remote chính là chức năng cụ thể của từng thiết bị.

WDS Remote hoạt động giống như một điểm truy cập không dây nơi mà máy khách (wireless client) có thể kết nối dễ dàng, đồng thời có nhiệm vụ liên lạc với trạm gốc và truyền thông tin qua lại. Trong khi đó, WDS Relay chỉ hoạt động như một trạm trung chuyển trung gian giữa hai điểm truy cập. Đây chính là sự khác biệt rõ rệt nhất giữa 2 chuẩn kết nối WDS Relay và WDS Remote.

WDS Relay và WDS Remote.

Mục đích chính của WDS Relay là vận hành như một bộ mở rộng phạm vi để cho phép WDS Remote có thể được đặt cách xa trạm gốc hơn. Nhờ đó, người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc thiết lập các thiết bị WDS Remote để đạt được mức độ phủ sóng tối ưu hơn. Không chỉ vậy, bạn thậm chí còn có thể cài đặt một chuỗi nhiều bộ lặp (daisy chain multiple repeaters) để mở rộng hơn nữa phạm vi kết nối. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải chú ý đến giới hạn băng thông trên mỗi thiết bị được đặt giữa client và trạm gốc bởi trong trường hợp này, băng thông sẽ được chia đều cho cả hai. Điều này là đủ nếu mục đích chỉ là để truy cập internet và gửi email. Nhưng khi có quá nhiều thiết bị được kết nối, việc thực hiện các tác vụ như truyền tệp và các ứng dụng nặng tiêu tốn băng thông sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sẽ có giới hạn cụ thể về số lượng thiết bị mà bạn có thể kết nối thông qua WDS. Bạn có thể kết nối tối đa 4 WDS Relay với một trạm gốc. Sau đó, có thể tiếp tục kết nối tối đa 4 WDS Remote với một chuỗi WDS Relay hoặc 1 WDS Relay đơn. Như vậy, bạn sẽ có 16 WDS Remote, kết nối với 4 WDS Relay, sau đó mới được kết nối với 1 trạm gốc. Điều này giúp mang lại phạm vi cũng như mức độ phủ sóng đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của hầu hết các thiết bị.

Nhìn chung, WDS sẽ là biện pháp tối ưu nếu bạn muốn phủ sóng các không gian mở lớn hoặc các khu vực nơi WDS Relay có thể cung cấp kết nối tới trạm gốc và WDS Remote. Ngược lại, trong không gian kín, nơi có nhiều vật cản, tốt hơn là bạn nên sử dụng dây để kết nối các điểm truy cập vì chướng ngại vật có thể ảnh hưởng lớn đến tín hiệu WiFi.

Có thể tóm gọn sự khác nhau giữa WDS Relay và WDS Remote như sau:

  • WDS Remote hoạt động như một điểm truy cập trong khi WDS Relay đóng vai trò là bộ lặp giữa hai thiết bị.
  • Bạn có thể tạo chuỗi WDS Relay (Daisy Chain) để mở rộng phạm vi kết nối của WDS Relay.
  • Bạn có thể thiết lập tối đa 4 WDS Relay trên một trạm gốc và tối đa 4 thiết bị WDS Remotes trên một WDS Relay.

Hy vọng các thông tin trong bài hữu ích với bạn!

Thứ Hai, 11/02/2019 14:30
53 👨 401
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản