Từ các trang thương mại điện tử đến website của các doanh nghiệp kinh doanh điện thoại di động... đâu đâu cũng có thể bắt gặp tình trạng rao bán điện thoại “nhái” các thương hiệu nổi tiếng.
Ảnh minh họa.
Rao bán hàng “nhái” vô tư
Chỉ cần vào trang web thương mại điện tử chodientu.vn, chọn mục sản phẩm là điện thoại di động, người dùng sẽ choáng ngợp với các sản phẩm điện thoại cao cấp như Nokia, iPhone... được bán với giá rất rẻ. Chẳng hạn như một chiếc iPhone 4, cảm ứng đa điểm có mức giá chỉ hơn 3 triệu đồng, hay chiếc Nokia N8 chỉ có giá 2 triệu đồng... Đây đều là những chiếc điện thoại có xuất xứ từ Trung Quốc và là hàng nhái, giả các thương hiệu nổi tiếng đang có trên thị trường.
Tương tự, tại trang enbac.com, đơn vị chủ quản là Công ty Cổ phần truyền thông VCCorp, vào mục điện thoại, người dùng chọn dãy sản phẩm Hồng Kông/Trung Quốc cũng sẽ choáng ngợp với những chiếc điện thoại gắn trên mình những thương hiệu như Nokia, Mobiado, Vertu, iPhone... được rao bán với những mức giá “bèo”.
Bên cạnh các website hoạt động theo dạng thương mại điện tử rao bán các sản phẩm điện thoại giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng như trên, việc buôn bán các sản phẩm này trên mạng còn lộ liễu hơn, khi nhiều doanh nghiệp còn xây dựng cả website để kinh doanh mặt hàng này.
Cụ thể, vào website dienthoaithoitrang.vn của doanh nghiệp Tân Phước Telecom có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, người dùng gần như hoa mắt khi ở danh mục sản phẩm, công ty này rao bán điện thoại giả, nhái của hầu hết các thương hiệu điện thoại đang có mặt trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh giá rẻ, công ty này còn đưa ra nhiều chương trình giảm giá, cũng như tặng thẻ nhớ để thu hút khách hàng. Hay tại trang web vienthonghd.com của Công ty Hoàng Dương Mobile có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, những chiếc điện thoại gắn trên mình các thương hiệu như Nokia, Samsung, iPhone... cũng được rao bán một cách có bài bản trên trang web với hình thức thanh toán trực tuyến được hướng dẫn rất kỹ lưỡng.
Bên cạnh các trang web trên, tại rất nhiều các trang web rao vặt trong nước, người dùng cũng dễ dàng bắt gặp tình trạng rao bán hàng giả, hàng nhái này một cách vô tư từ các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đang vi phạm luật
Với việc đưa các thông tin rao bán, quảng cáo các hàng nhái, giả thương hiệu các hãng nổi tiếng như trên có thể nói các doanh nghiệp đều đang phạm luật. Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định, mọi hành vi trao đổi, cung cấp, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích quảng cáo, tuyên truyền hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục cấm đều là vi phạm pháp luật. Các website kinh doanh trên môi trường mạng phải có trách nhiệm quản lý những nội dung thể hiện trên trang của họ. Vì thế, việc cho phép các thành viên hoặc người sử dụng quảng bá công khai hàng nhái, hàng kém chất lượng là sai quy định.
Theo Nghị định 63/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTT, các hành vi giả mạo, cung cấp thông tin sai sự thật để lừa đảo, bán hàng, mua hàng qua mạng sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 10 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu số tiền thu lợi bất chính đối với vi phạm nêu trên.
Một số doanh nghiệp cho rằng họ không cung cấp thông tin sai sự thật vì có nói rõ là hàng copy, hàng nhái, tuy nhiên cách nói thế cũng chẳng khác nào là “há miệng mắc quai”. Bởi hàng nhái, hàng kém chất lượng đều bị cấm kinh doanh và lưu thông, do đó các hành vi rao bán, kinh doanh trên mạng như trên cũng đều vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cũng có thể khẳng định các doanh nghiệp trên đang kinh doanh hàng giả vì Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại cũng nêu rõ: Hàng giả là những hàng giả chất lượng và công dụng, giả mạo nhãn hiệu hàng hoá, giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ về việc sử dụng nhãn hiệu mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đó... Như vậy có thể nói, tất cả các định nghĩa đều cho thấy các loại điện thoại trên đều là hàng giả.